Ngăn ngừa dịch lây lan do tập quán sinh hoạt cộng đồng

Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng. Trong các ổ dịch tại cộng đồng có tốc độ lây lan nhanh, phần nhiều xuất phát từ các buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân được xác định có liên quan đến một số tập quán sinh hoạt cộng đồng như: Lễ hội cúng lúa mới; tín ngưỡng tôn giáo; ma chay… Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể và cơ quan chuyên môn.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại xã Hà Bầu (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại xã Hà Bầu (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai).

 

Từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên vào ngày 12/11, làng Nú, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa giờ đang trở thành tâm dịch mới và là ổ dịch lớn nhất, phức tạp nhất từ trước đến nay của tỉnh Gia Lai. Tính đến ngày 24/11, cơ quan chức năng đã ghi nhận 169 ca mắc Covid-19 tại bảy trong tổng số tám làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, ổ dịch ở xã Hà Bầu xuất phát từ đám tang tại làng Nú và điều đáng nói là, trường hợp người dân dự đám tang và làm lây lan cho nhiều người ở Hà Bầu không phải là cá biệt. Trước đó, tại làng 50 (phường Yên Đổ, TP Pleiku), cũng từ một đám tang đã khiến hàng trăm người dân bị dương tính với SARS-CoV-2. Liên tiếp sau đó, từ đám tang này, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm người dân thuộc các làng: Ốp (phường Hoa Lư), Kép (phường Đống Đa), Tiêng 1, Tiêng 2 (xã Tân Sơn)… nhiễm Covid-19. Hiện các làng này đều đang được phong tỏa, cách ly để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan...

Cũng như tỉnh Gia Lai, trong đợt dịch Covid-19 thứ tư này, nhất là trong ba tháng gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều ổ dịch xuất hiện ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Sự thiếu kiểm soát đã khiến số người mắc Covid-19 tăng nhanh, gây nhiều khó khăn và áp lực cho công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly và thu dung điều trị. Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, tỷ lệ số ca mắc Covid-19 trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 60% trên tổng số ca nhiễm (6.906 trường hợp) và số người mắc hiện vẫn không ngừng tăng lên.

Từ diễn biến dịch và số ca nhiễm được phát hiện tại một số buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian gần đây cho thấy một thực tế rất đáng quan tâm. Đó là theo tập quán hiện đang tồn tại trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, hễ một buôn, làng nào có đám tang (hoặc lễ hội) thì người dân các làng lân cận (thậm chí các buôn, làng ở xa, nếu được tin) sẽ đến tham dự; cá biệt ở một số nơi, sự việc có khi diễn ra nhiều ngày…

Theo ông Rơ Châm Thót, Bí thư Chi bộ làng Ốp (làng đang cách ly), phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, khi làng có người chết thì bà con tập trung đến, ai có ghè (ghè rượu) thì mang ghè, có con gà thì mang gà... để chia buồn; con thú lớn (heo, bò) thì họ hàng, anh em trong gia đình người mất phải lo. Người đến viếng thường là ngồi chung, uống chung, sinh hoạt chung; có những gia đình tổ chức hai, ba, thậm chí bốn ngày mới hết. Hiện tại nhiều buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ nguyên phong tục như thế… Ông H’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho rằng, bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên sinh sống theo cộng đồng dòng tộc, buôn, làng và mọi sinh hoạt đều mang tính gắn kết, cộng đồng cao. Đó là một thực tế còn tồn tại hiện nay ở các địa phương.

Việc đồng bào tụ tập đông người, ăn uống, sinh hoạt chung lại thiếu biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong thời điểm đang xảy ra dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân, đồng thời là mối nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm cao đòi hỏi chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, quần chúng cần cùng vào cuộc. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp; đồng thời phải gắn với việc kiên quyết áp dụng những biện pháp hạn chế tập trung đông người, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K… nhằm tránh những sự việc đáng tiếc như vừa qua.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Gia Lai Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Các ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh hiện nay tập trung tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP Pleiku, huyện Chư Păh và mới đây là huyện Đắk Đoa, có nguyên nhân từ việc tập trung đông người và thiếu các biện pháp phòng chống dịch. Ổ dịch tại xã Hà Bầu có thể đã qua 4 chu kỳ lây nhiễm; liên quan đến sinh hoạt tôn giáo và theo giai đoạn mùa vụ, người dân đang vào mùa thu hoạch và tổ chức lễ hội cúng lúa mới; người mắc chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, dịch có thể sẽ tiếp tục lan rộng ra nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp phù hợp, thực hiện khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm dịch tễ, xét nghiệm nhanh…

Trước những diễn biến phức tạp về dịch bệnh đang diễn ra tại các địa phương có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lãnh đạo cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản; tăng cường và tập trung các lực lượng với tinh thần nhanh nhất, triển khai các biện pháp khoanh vùng; hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan. Bên cạnh đó, huy động cả hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền; tranh thủ và phát huy vai trò người có uy tín, các già làng, trưởng thôn trong việc vận động đồng bào chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; nghiêm túc thực hiện 5K; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ, kịp thời hỗ trợ lương thực, các nhu yếu phẩm..., nhằm bảo đảm đời sống cho người dân, từ đó an tâm phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ chuyên khoa II Nay Phi La cho biết, ngành y tế và chính quyền địa phương đang kiện toàn các Tổ Covid cộng đồng với sự tham gia của Ban tự quản thôn, buôn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, vận động các hộ gia đình không tổ chức các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tập trung đông người và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly y tế tại nhà của người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Đoa (Gia Lai) Phạm Minh Trung chia sẻ, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tại xã Hà Bầu nói riêng, huyện Đắk Đoa nói chung hiện nay là đang vào vụ thu hoạch, người dân thường xuyên qua lại, đổi công cho nhau giữa các làng. Việc bị phong tỏa tạm thời, cách ly phòng, chống dịch đồng nghĩa với việc người dân không thể thu hoạch hoa màu sẽ dẫn đến tâm lý lo lắng. Huyện cũng đã có phương án, yêu cầu các đơn vị, ngành chức năng, chính quyền địa phương, huy động các lực lượng phối hợp hỗ trợ người dân trong vấn đề thu hoạch vụ mùa, giúp bà con an tâm cách ly phòng, chống dịch bệnh.

Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm của chính quyền, các cơ quan chức năng, cùng với những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, công tác an sinh xã hội kịp thời… và sự đồng thuận của người dân, dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi, mang lại cuộc sống yên bình cho bà con và các buôn, làng Tây Nguyên.

 
PHAN HÒA và CÔNG LÝ

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hỗ trợ hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS

Hỗ trợ hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS

Phòng bệnh - 18/03/2024

Hỗ trợ hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS

Lây nhiễm thủy đậu, nhiều bệnh nhân đái tháo đường trở nặng

Lây nhiễm thủy đậu, nhiều bệnh nhân đái tháo đường trở nặng

Phòng bệnh - 13/03/2024

Lây nhiễm thủy đậu, nhiều bệnh nhân đái tháo đường trở nặng

Cấp cứu ngoại viện mang hy vọng sống cho người bệnh

Cấp cứu ngoại viện mang hy vọng sống cho người bệnh

Phòng bệnh - 10/03/2024

Cấp cứu ngoại viện mang hy vọng sống cho người bệnh

Sản phụ đau quặn bụng có nguy hiểm?

Sản phụ đau quặn bụng có nguy hiểm?

Phòng bệnh - 10/03/2024

Sản phụ đau quặn bụng có nguy hiểm?

Biện pháp giúp trẻ em giảm nhiễm trùng hô hấp cấp tính

Biện pháp giúp trẻ em giảm nhiễm trùng hô hấp cấp tính

Phòng bệnh - 06/03/2024

Biện pháp giúp trẻ em giảm nhiễm trùng hô hấp cấp tính

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới