Nguy cơ phát sinh nhiều bệnh dịch khi trời nồm ẩm
Theo bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời tiết nồm ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho những bệnh lây truyền do virus gia tăng. Trời có mưa phùn khiến độ ẩm cao, cường độ tia UV đến từ ánh nắng ít, làm giảm khả năng diệt vi khuẩn, virus.
Các bệnh như quai bị, thủy đậu... đã có vaccine phòng bệnh song vẫn có nguy cơ bùng phát do một số người chưa được tiêm chủng hoặc có khoảng trống miễn dịch. Ví dụ, những người sinh từ năm 1985-1995 trở về trước, là giai đoạn mới bắt đầu áp dụng tiêm chủng mở rộng nên chưa được tiêm đầy đủ. Người được tiêm đầy đủ cũng chưa chắc chắn có khả năng miễn dịch do không tiêm nhắc lại sau 5-15 năm, lượng kháng thể đã giảm xuống hoặc có miễn dịch nhưng không bền vững. Người cơ địa bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc ung thư, bệnh hệ thống tự miễn, suy gan có nguy cơ mắc và lây lan bệnh rất nhanh.
Bệnh sốt xuất huyết, sởi có chu kỳ bùng phát. Ví dụ sởi bùng phát 4 năm một lần, dịch chân tay miệng có khả năng bùng phát vào mùa hè. Chu kỳ này xuất hiện do quần thể trung gian gây bệnh tích tụ sau một thời gian sinh sôi phát triển.
Bên cạnh đó, Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine phòng bệnh chưa đủ để tiêm cho số lượng lớn người dân. Vì vậy, mọi người không chỉ cảnh giác với Covid-19 mà còn các bệnh khi giao mùa, để tránh dịch chồng dịch.
Triệu chứng các bệnh virus nói chung thường rất cấp tính. Người bệnh sẽ sốt cao đột ngột trong 1-2 ngày đầu, biểu hiện đau đầu đau, mỏi người. Nếu không biết nghỉ ngơi, cân bằng điều trị triệu chứng, mọi người có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, khiến bệnh nặng và lâu khỏi.
Theo bác sĩ Điền, cách phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất khi trời nồm ẩm là tiêm vaccine phòng bệnh và giữ cho môi trường sống sạch sẽ. Ngành y tế cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng theo chiến dịch để tiêm vét, tiêm nhắc lại những người có nguy cơ và chưa có miễn dịch. Phụ nữ khi có ý định mang thai nên đi tiêm chủng để đảm bảo phòng bệnh cho mẹ và em bé.
Nhóm người có bệnh hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, nguy cơ bệnh nặng, nên tiêm phòng cúm hàng năm. Vaccine cúm chỉ có thời hạn từ 6 tháng đến một năm do virus, vi khuẩn gây bệnh thay đổi đặc trưng theo năm, mọi người cần tiêm nhắc lại vaccine cúm thường xuyên.
Thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, nghỉ ngơi, tập thể dục điều độ để tăng sức đề kháng, cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Mọi người nên mở cửa khi trời nắng để ánh sáng mặt trời tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh, giữ không gian thông thoáng, tránh không khí tù đọng. Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ và người già cần ưu tiên ở các phòng nhiều cửa sổ, ánh nắng.
Gia đình có thể mua máy lọc không khí, máy có màng lọc hepa để hút các vi sinh vật, bào tử nấm hoặc virus gây bệnh. Mọi người nên kết hợp với vệ sinh định kỳ bề mặt nhà, lau nhà bằng thuốc sát khuẩn, vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn, ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
Mọi người không nên nuôi động vật trong nhà có người mắc bệnh viêm mũi dị ứng, hen phế quản. Không khí nồm ẩm có rất nhiều mầm bệnh, kết hợp với lông động vật sẽ làm tăng nặng thêm phản ứng dị ứng ở những người này.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh