Nhiều người già nhanh chóng trở nặng dù triệu chứng bệnh mờ nhạt
Chủ quan vì nghĩ trái gió trở trời
Cụ ông N.V.T () được đưa tới BV Lão khoa Trung ương khám sau vài ngày mệt mỏi. Qua thăm khám, bác sĩ thấy huyết áp của cụ T rất cao, gần 200/65 mmhg, thở nhanh và tim loạn nhịp.
Sau khi làm một số chỉ định cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện ngoài vấn đề về rung nhĩ, bệnh nhân còn có dấu hiệu báo động về suy tim rất rõ ràng, trên phim XQ cho kết quả về tổn thương rất điển hình trên phổi… Tình trạng viêm phổi trên nền rung nhĩ, có nguy cơ đe dọa tính mạng nếu chậm điều trị.
BS Hà Vân Anh, Phụ trách Khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương, chia sẻ: "Bệnh nhân này trước đây chưa từng phát hiện bị huyết áp cao, không có tiền sử tim mạch rõ ràng và đặc biệt không ho nhiều, không sốt, mà chỉ có mệt. Tuy nhiên khi khám lại có nhiều triệu chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Rất may bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Trường hợp này cho thấy các triệu chứng bệnh ở người cao tuổi không giống như người trẻ, dù bệnh trở nặng nhưng các dấu hiệu bệnh lại rất mờ nhạt. Nếu thấy sự thay đổi rất nhỏ ở người già, gia đình nên chủ động đưa đến cơ sở y tế thăm khám, tránh tình trạng nghĩ rằng các cụ mệt do thời tiết rồi chần chừ thăm khám...".
BS Vân Anh cho biết thêm trong thời điểm rét đậm như hiện nay, số bệnh nhân đến khám cũng tăng nhưng không quá nhiều. Tuy nhiên, đáng lưu ý là số bệnh nhân nặng phải nhập viện lại tăng lên rõ rệt. Bình thường mỗi ngày, khoa khám bệnh tiếp nhận 8-10 bệnh nhân nhưng gần đây, con số này tăng gấp đôi.
Bệnh nhân nhập viện do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu liên quan đến huyết áp dao động quá nhiều, đợt cấp của suy tim hoặc viêm phổi, đau xương khớp, đau thần kinh tọa, cột sống nhiều… Điểm khác biệt là trong đợt lạnh này, số bệnh nhân có vấn đề về tim mạch tăng hơn, trong khi năm trước thì thường gặp bệnh lý hô hấp, viêm phổi.
Bệnh nhân cấp cứu tăng 40%
Tại khu vực Khoa Cấp cứu – Đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương thường xuyên duy trì với khoảng 45-50 bệnh nhân. Hết đứng lại ngồi phía bên ngoài hành lang khu cấp cứu, ông N.T (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ sự lo lắng: "Đêm qua, bố tôi gần 90 tuổi được đưa vào đây cấp cứu vì đột quỵ não. Giờ đang phải thở máy nằm trong khu vực ICU, không biết có ổn không".
Còn phía ngoài khu vực cấp cứu, ông N.V.K (trú tại Đống Đa, HN) được con cháu đưa đến cấp cứu vì huyết áp tăng cao. Chị V (con gái ông K) cho biết: "Tự đo huyết áp tại nhà thấy cụ tăng bất thường, kèm theo nôn ói nên gia đình vội đưa vào đây cấp cứu. Năm nay bố tôi 77 rồi, trước cụ vốn có tiền sử viêm phổi nữa nên đưa vào viện cho an tâm".
Theo BS Bùi Tường Lân, Khoa Cấp cứu – Đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương, 50% bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ. Riêng khu vực ICU với 12 giường thở máy thì có tới 8 ca đột quỵ.
Trong một tuần qua, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại BV Lão khoa Trung ương tăng khoảng 40% so với thời điểm trước, chủ yếu các bệnh lý về hô hấp, đột quỵ và tim mạch... Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân khi mới nhập viện chưa nặng nhưng sau đó trở nặng rất nhanh. Theo lý giải của BS Bùi Tường Lân, nền bệnh nặng cộng thêm thời tiết lạnh sâu khiến khả năng chống đỡ của cơ thể kém hơn. Sức đề kháng, khả năng mất bù và thích ứng với môi trường của người già cũng kém hơn… dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn nhiều.
"Để phòng tránh, người cao tuổi cần lưu ý việc giữ ấm, điều trị bệnh nền ổn định, đồng thời cẩn trọng với các dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp trên, huyết áp tăng… và chủ động khám sớm để được điều trị tích cực ngay từ ban đầu", BS Lân cho biết.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Cách nào phòng bệnh gút?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Cách nào phòng bệnh gút?