Sẽ bỏ khai báo y tế nội địa
Sáng 26/4, thông tin tại Hội nghị trực tuyến quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian tới sẽ bỏ khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng nói: "Việt Nam không còn áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường, vì vậy không còn áp dụng khai báo y tế nội địa".
Về vấn đề này, Cục Y tế Dự phòng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương từng bước thực hiện quá trình bình thường hóa, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hiện chưa rõ vào thời điểm nào có thể bỏ khai báo y tế.
Với khai báo khi nhập cảnh, Bộ trưởng Y tế cho biết cũng đã yêu cầu phải trở lại trạng thái bình thường, tức là chỉ khai báo theo đúng điều lệ quốc tế, trong đó yêu cầu thông tin cơ bản, không phục vụ cho mục đích khác nữa.
Từ khi Covid-19 xuất hiện, khai báo y tế là một trong 5 biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng hữu hiệu, còn gọi thông điệp 5K (gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập). Thông điệp này 2 năm qua không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà phổ biến cả thế giới.
Dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm, cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường, từng bước thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh biện pháp 5K thành 2K (khẩu trang, khử khuẩn) cho phù hợp với tình hình mới.
Theo Bộ Y tế, ở nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: số ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu đưa Covid-19 khỏi danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm) và xem như bệnh thông thường.
Để ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, Bộ Y tế đã xây dựng hai kịch bản chống dịch.
Kịch bản đầu tiên, biến chủng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Nhờ kế hoạch bao phủ vaccine rất tốt, miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine Covid-19 nên số trường hợp diễn biến nặng và tử vong sẽ giảm.
Với kịch bản này, Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, đưa Covid-19 trở thành bệnh lưu hành. Khi đó, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường.
Với kịch bản thứ hai, khi sự hiểu biết của chúng ta với SARS-CoV-2 đến nay vẫn chưa được toàn diện. Trong bối cảnh giao lưu đi lại nhiều, việc liên tục xuất hiện các biến chủng mới vẫn có khả năng xảy ra, làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine, gây lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng.
Do đó, với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như từng làm.
Dù thời điểm này, Việt Nam đã có các vũ khí như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn phải thường xuyên cập nhật, kể cả về thuốc điều trị hay công nghệ vaccine.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh