Tìm hiểu về ngộ độc nấm

11:09 07/05/2020 - Phòng bệnh
Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp người lớn và trẻ nhỏ vì ăn phải nấm độc mà lâm phải tình trạng nguy kịch, thậm chí là tử vong. Vậy thực chất trong các loại nấm này có những chất gì, gây tác động như thế nào đến sức khỏe người bệnh? Khi ăn phải nấm độc thì biểu hiện của người bệnh sẽ như thế nào? Phải làm thế nào để chữa trị kịp thời cho người bệnh?

Ngộ độc nấm thường xảy ra do người dân khi ăn các nấm mọc hoang dại, chủ yếu xảy ra ở các vùng rừng núi. Các loại nấm độc có độc tính khác nhau, trong đó nhiều người ngộ độc nặng và tử vong là do nguyên nhân chủ yếu ăn phải nấm lục (hay nấm độc xanh đen) - Amanita phalloides hoặc nấm độc trắng - Amanita vema, chứa amatoxin. Những loại nấm này gây ngộ độc chậm và độc nhất hiện nay, có hình thức rất hấp dẫn. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.

Nấm thiên thần hủy diệt
Nấm thiên thần hủy diệt

Theo quan niệm của nhiều người, nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon, lạ, hấp dẫn, do vậy nhu cầu sử dụng nấm không ngừng tăng cao. Mùa xuân với thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Vì vậy, người dân nên hiểu biết về ngộ độc nấm, các loại nấm độc... nhằm giúp giảm thiểu số vụ ngộ độc và tránh để ngộ độc tiến triển nặng dẫn tới tử vong.

Nấm mũ đầu lâu mùa Thu
Nấm mũ đầu lâu mùa Thu

Những biểu hiện chính của ngộ độc nấm

Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo từng loại nấm mà có độc tính khác nhau. Tuy nhiên, thực tế trên lâm sàng phân làm hai loại đó là loại nấm gây ngộ độc sớm (biểu hiện trong vòng 6 giờ đầu sau ăn và loại gây ngộ độc muộn (biểu hiện sau ăn 6-40 giờ).

Loại biểu hiện ngộ độc sớm thường dễ phát hiện, biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ (ít nguy hiểm hơn). Có thể có triệu chứng tăng tiết nước bọt, phế quản, tiêu chảy, co đồng tử, chảy nước mắt... Chất độc nấm là coprine thì triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trong vòng 30 phút, giống như ngộ độc disulfiram có biểu hiện mặt đỏ, nóng bừng, nôn, toát mồ hôi, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch... Chất độc nấm là psilocybin gây ra ảo giác hay kích thích dạ dày ruột, yếu mệt, đau bụng, sốt, giãn đồng tử, co giật...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biểu hiện ngộ độc muộn thường khó xác định, dễ bị bỏ sót hoặc chủ quan điều trị không tích cực, không đầy đủ dẫn tới nặng và nguy cơ tử vong cao. Có thể sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ) mới xuất hiện triệu chứng có những biểu hiện như nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội và nhiều trong khi đó hầu hết chất độc đã vào máu. Có trường hợp sau 1 - 2 ngày điều trị, các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy đỡ, người bệnh nghĩ là bệnh đã khỏi. Nhưng trên thực tế, tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác trong cơ thể. Sau 3 - 4 ngày xuất hiện vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, tiểu ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.

Tuy nhiên, cần phân biệt với các ngộ độc thức ăn do các căn nguyên khác như vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, dư lượng hóa chất trong thực phẩm... Dựa vào sự xác định của bệnh nhân về việc có ăn nấm, thời gian sau khi ăn để xác định ngộ độc nấm.

Cách xử trí khi bị ngộ độc nấm để tránh tử vong

Phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc - than hoạt tính với liều 1g/kg cân nặng; cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở phải hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.

Chú ý: Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên). Trường hợp bị ngộ độc nấm nặng, có dấu hiệu đe dọa tính mạng, phải chuyển về trung tâm chống độc để điều trị kịp thời. Thận trọng loại biểu hiện ngộ độc muộn, mặc dù sau khi sơ cứu đã hết triệu chứng nôn, đau và tiêu chảy nhưng cũng không nên về nhà ngay trong 1-2 ngày đầu mà cần phải ở lại bệnh viện để theo dõi thêm vì có thể sau 3-4 ngày, các biểu hiện suy gan thận mới bộc lộ…, nếu chủ quan sẽ nguy hiểm tính mạng.

Phòng chống ngộ độc nấm

Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc. Ngay cả chuyên gia về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành. Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau.

Không phải nấm trắng là nấm không độc, vì có những loại nấm độc nhất (amanita) cũng có màu trắng muốt và nấu ăn cũng ngọt nhưng lại là loài nấm chính gây độc ở nước ta. Ngoài ra, không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ và không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

Nấm tươi mới hái nên sơ chế và sử dụng ngay, vừa đảm bảo an toàn vừa giúp các chất dinh dưỡng trong nấm không bị mất đi. Nếu để nấm lâu ngày, không bảo quản cẩn thận, nấm bị ôi và nát cũng có thể chuyển thành nấm độc.

Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa ngay người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa và theo dõi.

Thu Hằng

TLTK: Từ điển và các cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Phòng bệnh - 24/10/2024

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới