TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine cho toàn bộ đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15/9

Theo Nhân Dân 09:07 27/08/2021 - Phòng bệnh
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều 26/8, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, thông tin, từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ 25/8, thành phố đã lấy 514.974 mẫu xét nghiệm (tăng 197.585 mẫu so với ngày hôm trước).
Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

 

Trong đó, có 8.452 mẫu đơn và 4.189 mẫu gộp; số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 479.742 mẫu. Điều đó cho thấy mục tiêu tăng mẫu xét nghiệm của thành phố đã từng bước được thực hiện. 

Về tiêm chủng, đến ngày 25/8, thành phố đã triển khai tiêm tổng cộng 5.627.728 liều vaccine; trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825; số người được tiêm hơn 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771.

Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh, Bộ Y tế khẳng định việc thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 phải đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng; nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân  đến tiêm chủng với bất kỳ hình thức nào. Đơn vị nào để xảy ra tiêu cực trong việc tiêm chủng vaccine thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Ông Hải cho biết thêm, thành phố phải cơ bản tiêm hết tất cả đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15/9 với thông điệp “vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất”.

Để tiếp tục hỗ trợ thêm cho người lao động trong tình hình dịch kéo dài, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản 2876 về việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo điều chỉnh tên gọi cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” để phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. 

Ông Phạm Đức Hải cho biết, việc thay đổi cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” là điều chỉnh rất mới và kịp thời.

Ông Hải giải thích, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố có 53 nghìn hộ nghèo và cận nghèo, ước khoảng 170 nghìn người. Sau khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người không có việc làm, dẫn đến số người gặp khó khăn tăng lên khoảng 3,4 triệu người. 

Thành phố sẽ chi từ nguồn ngân sách để giúp cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19. Việc chi này cố gắng thực hiện trước ngày 30/8. Theo đó, mỗi hộ sẽ được nhận 1,5 triệu đồng. Nếu hộ nào đã nhận gói an sinh 300 nghìn thì sẽ nhận tiếp 1,2 triệu tiền mặt; hộ nào chưa nhận gói an sinh thì sẽ nhận tiền mặt 1,5 triệu đồng.

Tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, cho biết, thời gian qua, có nhiều thông tin giả xuất hiện trên mạng xã hội cho nên cần nhiều thông tin chính thống, thông tin phản ánh chính xác để bà con không hoang mang.

Trên thực tế, nhiều bà con có nhu cầu bức xúc cần chính quyền lắng nghe trực tiếp, giải quyết một cách nhanh chóng để cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn trong thời gian giãn cách xã hội. 

Từ thực tế đó và được sự đồng ý của lãnh đạo thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố phối hợp Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức chương trình phát sóng trực tiếp trên internet (livestream) với tên gọi “Dân hỏi - Thành phố trả lời”. 

Chương trình được phát sóng định kỳ vào 20 giờ, từ thứ Hai đến thứ Bảy và diễn ra trong hai tuần (từ 24/8 đến 6/9) trên fanpage của Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh; đồng thời dẫn truyền qua các kênh fanpage Thành đoàn; Hội Liên hiệp Thanh niên; fanpage nghệ sĩ Quyền Linh…

Qua 2 số phát sóng, chương trình thu hút hơn 900 nghìn lượt xem, 42 nghìn bình luận, 20.000 lượt chia sẻ. Phần lớn câu hỏi liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Quan điểm của thành phố, đây không chỉ là chương trình đối thoại mà là chương trình nói và làm. Thành phố lắng nghe ý kiến của bà con và sẽ có giải quyết, phản hồi nhanh.  

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh có 401/413 trạm y tế lưu động đã chính thức hoạt động; riêng Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm.

Sở Y tế đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.4. Theo đó, có bổ sung hoạt động của trạm y tế lưu động, điều kiện cách ly tại nhà và điều chỉnh về hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0.

LINH BẢO

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Phòng bệnh - 24/10/2024

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới