Trời lạnh dễ liệt mặt, méo miệng

HÀ NỘI - Giá rét khiến người già bị liệt mặt, méo miệng. Số bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị khám những ngày qua tăng khoảng 20% so với bình thường.

Cụ ông 75 tuổi, ở Hà Nội, có thói quen đi bộ và tập thể dục vào 5h sáng vào ngày nóng cũng như ngày lạnh. Giữa tháng 12, sau khi đi tập thể dục về, ông cảm giác cơ mặt gượng gạo hơn mọi hôm. Nước dãi chảy ra ở khóe miệng bên trái, soi gương thấy má trái và nhân trung lệch về bên phải. Mắt trái không nhắm kín, kèm theo cảm giác tê bì nửa mặt bên trái, tai hơi ù. Ông cho rằng bệnh sẽ tự khỏi, sau 4 ngày không đỡ mới đến bệnh viện.

Tại khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Hữu nghị, bác sĩ chẩn đoán ông bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh, sau khi loại trừ các nguyên nhân do đột quỵ não và nhiễm trùng. Người bệnh được điều trị bằng phương pháp châm cứu trong 10-15 ngày.

Bác sĩ Hoàng Văn Lý, Trưởng khoa Y học cổ truyền, cho biết số bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII ngoại biên tăng khoảng 20% tại Bệnh viện Hữu nghị trong những ngày trở lạnh.

Biểu hiện bệnh gồm mặt mất cân xứng, má và nhân trung bị kéo lệch về bên lành. Tại bên liệt, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, rõ nhất là khi người bệnh nói hoặc cười. Khi đánh răng, uống nước hoặc ăn cơm, nước và thức ăn rơi vãi ra ở khóe miệng, thức ăn đọng lại ở má bên liệt, bệnh nhân ăn uống khó khăn, mắt bên liệt nhắm không kín.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa.

Cụ ông bị liệt mặt, méo miệng điều trị bằng phương pháp châm cứu. Ảnh: Chi Lê.
Cụ ông bị liệt mặt, méo miệng điều trị bằng phương pháp châm cứu. Ảnh: Chi Lê.

Bệnh liệt mặt, méo miệng có thể gặp ở mọi độ tuổi, không ảnh hưởng tới tính mạng, thường khỏi sau 2 đến 3 tuần điều trị. Tuy nhiên, nếu đến viện muộn, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn hoặc không hồi phục, để lại di chứng méo mặt, khô, xước và loét giác mạc do mắt nhắm không kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào cọ xát. Sau khỏi bệnh có thể vẫn còn co giật cơ mặt vì dây thần kinh hồi phục không hoàn toàn, hoặc co cứng nửa mặt khi dây thần kinh thoái hóa.

Để phòng bệnh, bác sĩ Lý khuyến cáo cần tránh gió lạnh, gió lùa, bảo vệ đầu và gáy, mặc đủ ấm và tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ nóng chuyển sang lạnh. Những người thể trạng yếu, ít tập luyện thể dục, thường xuyên sử dụng rượu bia, đi sớm về khuya hoặc có tiền sử huyết áp cao, xơ vữa động mạch, thức khuya, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.

Giữ gìn cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, sinh hoạt điều độ là cách phòng tránh bệnh. Khi xuất hiện triệu chứng liệt mặt, phải đến cơ sở y tế ngay để được điều trị sớm, tránh để lại các di chứng.

Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất ngờ nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Bất ngờ nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Phòng bệnh - 25/04/2024

Bất ngờ nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Lưu ý 3 vị trí nổi hạch cảnh báo sức khỏe bất ổn

Lưu ý 3 vị trí nổi hạch cảnh báo sức khỏe bất ổn

Phòng bệnh - 25/04/2024

Lưu ý 3 vị trí nổi hạch cảnh báo sức khỏe bất ổn

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Phòng bệnh - 12/04/2024

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Phòng bệnh - 08/04/2024

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Phòng bệnh - 03/04/2024

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới