Trong bài viết mới đây, Sputnik nhận định: Ngoại giao vắc-xin chưa có tiền lệ trong lịch sử, được triển khai một cách quyết liệt trên nhiều kênh, góp phần giúp Việt Nam làm chủ nguồn vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch, song song phát triển kinh tế-xã hội. Không chỉ thành công trong việc bảo đảm nguồn cung, chiến lược ngoại giao vaccine còn thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ sản xuất của thế giới cho Việt Nam, như các loại vaccine Sputnik-V của Nga, Abdala của Cuba, hay Covaxin của Ấn Độ.
Sputnik dẫn ý kiến giới chuyên gia quốc tế cho rằng, những khó khăn, khúc mắc trong chiến lược ngoại giao vắc-xin đã được Việt Nam “hóa giải” một cách ngoạn mục, sâu rộng, nhất là thông qua các chuyến công du nước ngoài với tần suất dày đặc của các nhà lãnh đạo cấp cao. Những yếu tố làm nên thành công trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, coi ngoại giao vắc-xin là giải pháp then chốt và là hoạt động ưu tiên. Tiếp đến là nỗ lực kịp thời và hiệu quả của ngành ngoại giao, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan liên quan trong công tác vận động, cũng như tiếp nhận, sử dụng nguồn vắc-xin có được.
Theo Sputnik, Covid-19 cho thấy ý nghĩa quan trọng của hợp tác, phối hợp hành động của cộng đồng quốc tế. Chiến lược ngoại giao vắc-xin của Việt Nam thể hiện chủ trương đúng đắn, huy động được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác quốc tế, giúp tăng tốc đột phá việc tiếp cận vaccine cho đất nước. Chiến lược này cũng cho thấy ngoại giao Việt Nam phát huy tốt vai trò tiên phong trong xử lý thách thức, thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong các hoạt động chung, nỗ lực ứng phó thách thức toàn cầu.
Theo thông tin TTXVN dẫn nguồn trang covidvax.live, Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 53 trên thế giới về mục tiêu tiêm đủ liều vaccine cơ bản cho 70% dân số. Trong số 220 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ có 63 nước và vùng lãnh thổ đạt mục tiêu quan trọng nêu trên. Theo phân tích trên trang covidvax.live, tại châu Á, tốc độ và số lượng vaccine được tiêm ở Việt Nam cao hơn mức của Thái Lan, Lào, Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Trên phạm vi toàn cầu, độ bao phủ vắc-xin của Việt Nam chỉ thấp hơn Mỹ 2 bậc, trong khi cao hơn Nga tới 40 bậc.