7 người ngộ độc methanol trong một tháng
Bệnh nhân nam, 52 tuổi, ở Hà Nội, bị tổn thương sọ não nặng, nhập viện ngày 2/8, hôn mê sâu, tụt huyết áp. Sau hai ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân không chuyển biến, tăng nặng hơn, gia đình xin về vào ngày 4/8.
Một bệnh nhân nam khác, 44 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang, nhập viện trong tình trạng kích thích, lú lẫn, giảm thị lực. Trước đó, anh uống rượu ở ngoài quán và trong nhiều nhà khác nhau, có loại gia đình nấu, có loại không rõ nguồn gốc, sau đó mệt mỏi, đau đầu, lú lẫn, yếu chân tay. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc methanol, truyền dịch và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 1/8.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được giải độc, thoát cơn nguy kịch. Tuy nhiên, tiên lượng anh phải chịu các di chứng thần kinh, thị giác vì não bị tổn thương, chuyển Khoa Mắt để điều trị tiếp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết methanol, còn gọi là cồn công nghiệp, độc tính rất cao. Nếu uống liên tục với liều không cao, methanol có thể tích lũy, gây các tổn thương cho người bệnh. Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và tiếp đến là formic acid, sẽ tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác. Khi ngộ độc thường gây mù, thường mù vĩnh viễn, dễ dẫn đến chết người.
Ngộ độc methanol diễn ra từ từ. Nhiều người phát hiện ngộ độc sau khi uống 1-2 ngày, có các biểu hiện rõ như mờ mắt, tổn thương mắt, lơ mơ lẫn lộn, thở nhanh, sâu, rối loạn acid máu, co giật, hôn mê. Bệnh nhân sẽ bị tổn thương não, mù mắt, điều trị không mang lại hiệu quả cao. Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, sau đó tử vong. Nếu may mắn thoát nguy kịch, bệnh nhân cũng gặp di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tháng 7, số lượng bệnh nhân ngộ độc có xu hướng gia tăng, đến từ nhiều tỉnh khác nhau như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang. Họ uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc, đến bệnh viện khi đã rối loạn ý thức, lơ mơ hoặc hôn mê, toan chuyển hóa nặng. Xét nghiệm cho thấy nồng nộ methanol trong máu cao, có trường hợp lên tới gần 200 mg/dL,vượt xa nồng độ gây ngộ độc nặng.
Bác sĩ Nguyên cho biết có thể còn nhiều người khác cũng ngộ độc do uống chung rượu với các bệnh nhân đã nhập viện, nhưng dấu hiệu ngộ độc đã bị nhầm với các bệnh khác hoặc bị bỏ quên. Sức khỏe của những người này sẽ sớm yếu đi.
"Các loại rượu lậu được chế từ hóa chất là cồn công nghiệp methanol vẫn đang trôi nổi trên thị trường, chưa được kiểm soát tận gốc và quản lý chặt chẽ", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên cho rằng đây là tình trạng đáng báo động. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc do uống rượu được pha chế từ methanol. Người dân cũng cần biết tự kiểm soát, hạn chế uống rượu hoặc chọn uống rượu có nguồn gốc rõ ràng.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?