Bệnh nhân vẫn ngại đến viện sau nới lỏng giãn cách xã hội
Ông Bình, 58 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP HCM, bị tăng huyết áp, thiếu máu não, khám định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy hai tháng một lần. Giữa tháng 4, ông có lịch hẹn tái khám, ngại đến bệnh viện lúc đang cách ly xã hội nên con trai ông ra hiệu thuốc mua thuốc uống theo toa cũ bác sĩ đã cho. Hiện sức khỏe vẫn ổn nên ông chưa trở lại bệnh viện sau khi nới lỏng cách ly xã hội.
Vợ ông Bình bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, dự định phẫu thuật cuối tháng 3, gia đình cũng quyết định hoãn mổ.
"Bệnh của tôi và vợ đều không quá nguy cấp, từ từ chữa vẫn chưa chết, nếu lỡ đến viện lây Covid-19 là có khi lại chết", ông nói.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trước đây mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000- 6.000 lượt khám. Thời điểm Covid-19 bùng phát, đặc biệt trong khoảng thời gian cách ly xã hội ba tuần đầu tháng 4, bệnh viện còn chưa tới 2.000 lượt khám mỗi ngày.
"Chợ Rẫy là tuyến cuối của khu vực phía Nam, tiếp nhận đa số bệnh nhân ở các tỉnh. Xe khách liên tỉnh, xe buýt dừng hoạt động thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến lượng bệnh nhân giảm", bác sĩ Việt phân tích.
Các phòng khám ở Chợ Rẫy tạm ngưng từ ngày 30/3, nay đã hoạt động trở lại, gồm Khoa Khám sức khỏe theo yêu cầu, Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật - HECI, Khoa Khám bệnh 2 (cổng số 4 đường Phạm Hữu Chí, quận 5) và phòng khám chuyên gia.
Tại Bệnh viện Bình Dân, nơi chuyên về ngoại khoa, lượng bệnh nhân đến khám, nhập viện phẫu thuật cũng giảm mạnh. Bác sĩ Lương Thanh Tùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, cho biết số bệnh nhân nội trú và ngoại trú thời gian qua giảm khoảng 40-50%. Bệnh viện chủ động hoãn nhiều ca mổ chương trình, không cần phẫu thuật gấp.
Hỗ trợ người bệnh hạn chế dịch chuyển, Bệnh viện Bình Dân hiện duy trì tư vấn miễn phí qua tổng đài điện thoại 19007123 vào các buổi chiều, ở các chuyên khoa như nam khoa, niệu khoa, gan mật tụy, tiêu hóa, tuyến giáp, tim và mạch máu. Với bệnh nhân cũ, bệnh viện hướng dẫn gọi điện trao đổi trước, nếu thấy không cần đến viện, bác sĩ có thể cho đơn thuốc, Khoa Dược sẽ chuyển thuốc về nhà người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết những ngày qua, các nhân viên y tế cũng gọi điện hỏi thăm, tư vấn sức khỏe, nhắc nhở người bệnh tới tái khám.
"Hiện đã hết chương trình khám tại nhà, nhiều người có bệnh mạn tính lo dịch mà ngại đến viện, ngưng thuốc có thể gặp nguy hiểm nên chúng tôi phải gọi điện nhắc", bác sĩ Vui nói.
Thời gian cách ly xã hội, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các cơ sở y tế cử bác sĩ đến nhà khám chữa bệnh hoặc trao đổi qua điện thoại với bệnh nhân trên 60 tuổi.
Tại Hà Nội, các bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đống Đa, nơi tiếp nhận người nghi nhiễm Covid-19, số bệnh nhân thăm khám giảm nhiều. Thông thường mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận 1.300-1.400 người khám chữa bệnh. Khi có dịch, bệnh viện vắng hơn do người dân lo ngại lây nhiễm chéo. Lượt bệnh nhân khám giảm trung bình 100 người mỗi ngày. Đa số bệnh nhân đến khám định kỳ các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường và đặc biệt là người có các triệu chứng bệnh hô hấp.
Bệnh viện đa khoa Đống Đa giảm khoảng 70% bệnh nhân đến khám, đến viện chủ yếu là người tái khám. Bệnh viện đã phát thuốc sử dụng từ một đến hai tháng để hạn chế việc đi lại, nhất là người bệnh cao tuổi, có bệnh lý nguy hiểm. Hiện bệnh viện còn khoảng 100 bệnh nhân nội trú, giảm 1/3 so với trước đây.
Lượng bệnh nhân đi khám tại bệnh viện phụ sản, sản nhi cũng giảm đáng kể. Ông Trần Danh Cường, Giám đốc Phụ sản Trung ương, cho biết lượng bệnh nhân đến khám các khoa phụ sản giảm 50-70% trong đợt dịch. Đa số người bệnh là sản phụ đến ngày sinh hoặc người ở những khu vực lân cận đến khám.
Theo ông Cường, 100% người đến bệnh viện khám đều được sàng lọc. Bệnh viện bố trí chốt sàng lọc ngay tại cửa ra vào. Tất cả người bệnh, người nhà bệnh nhân vào viện chỉ có một lối đi riêng duy nhất, được phun khử khuẩn đồ dùng, đo thân nhiệt, cũng như khai thác thông tin về tình hình sức khỏe, tiền sử dịch tễ...
Bệnh viện Bạch Mai, tuyến cuối khu vực phía Bắc, nơi bị phong tỏa ngày từ 28/3 đến hết 11/4 do phát hiện nhiều ca dương tính liên quan cơ sở y tế này, lượng bệnh nhân giảm mạnh. Phó giám đốc Dương Đức Hùng cho biết bình thường mỗi ngày điều trị gần 4.000-5.000 người, cao điểm đến 6.000 người. Hiện do diễn biến dịch, bệnh viện không còn tiếp nhận bệnh nhân đến khám. Số bệnh nhân nội trú chỉ khoảng 100 người, chủ yếu là bệnh nhân nặng.
Từ nay đến hết ngày 3/5, bệnh viện Bạch Mai chỉ tiếp nhận những ca bệnh nặng, nguy kịch vượt quá khả năng của tuyến dưới. Bệnh viện cũng tiếp nhận người bệnh suy thận chạy thận nhân tạo chu kỳ và lọc màng bụng mà chưa chuyển tuyến được; chuyển tuyến người bệnh về cơ sở khám chữa bệnh khác khi đã qua giai đoạn nguy kịch, cấp cứu.
Sau ngày 15/5, nếu tình hình Covid-19 không có diễn biến phức tạp, ngoài các nhóm bệnh nhân trên, bệnh viện sẽ tiếp nhận thêm người bệnh cấp cứu tại cộng đồng, bệnh nhân do các cơ sở khám chữa bệnh khác chuyển tuyến đến; khôi phục một phần mổ phiên. Dự kiến bệnh viện chỉ tiếp nhận 30% số giường bệnh.
Thời gian qua, nhiều người lo ngại Covid-19, chần chừ đi khám dẫn đến vào viện khi đã quá nặng. Trong tuần, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận hai bệnh nhi viêm ruột thừa biến chứng nặng, do chậm đến viện vì sợ lây nCoV.
Bác sĩ Hồ Văn Hân, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết hiện nay các bệnh viện đều tăng cường kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro như bắt buộc đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế, giữ khoảng cách an toàn, có phòng khám sàng lọc... nên người bệnh có thể yên tâm đến viện.
Sở Y tế TP HCM ngày 24/4 ban hành 31 tiêu chí rủi ro lây nhiễm Covid-19, giúp các cơ sở y tế có các đánh giá cụ thể, định kỳ, khắc phục kịp thời khi cần thiết nguy cơ rủi ro lây nhiễm.
Ngoài dịch vụ tư vấn trực tuyến, tư vấn qua điện thoại, nhiều bệnh viện đã triển khai đặt hẹn lịch khám. "Người dân nên đặt hẹn trước khi đi khám, được sắp xếp thời gian phù hợp để đỡ chờ đợi lâu, tập trung đông", bác sĩ Hân nói.
Một số bệnh viện không có nhiệm vụ tiếp nhận người nghi nhiễm nCoV như Bệnh viện Bưu điện, Lão khoa Trung ương, Ung bướu Hà Nội... vẫn tập trung công tác phòng dịch chống lây nhiễm chéo theo yêu cầu của Bộ Y tế. Bệnh viện chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus như thành lập khu cách ly, bố trí dung dịch sát khuẩn tay, đo thân nhiệt tại cửa ra vào bệnh viện.
Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của bệnh viện và Bộ Y tế, tránh tiếp xúc trực tiếp qua không khí với người nghi nhiễm bệnh, tránh tụ tập đông người, tránh đi đến vùng cảnh báo có dịch.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ