Chết oan vì hít khói thuốc lá thụ động

Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết do hít khói thuốc thụ động.
Khói thuốc lá khiến tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ cao gấp 1,6 - 8 lần so với người lớn. Ảnh: Tạ Hải
Khói thuốc lá khiến tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ cao gấp 1,6 - 8 lần so với người lớn. Ảnh: Tạ Hải

Theo các chuyên gia y tế, người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào người mà còn làm hại cả người xung quanh khi 2/3 số khói lan tỏa ra môi trường mà không vào phổi người hút. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết do hít khói thuốc thụ động.

2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) do Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá, trong số đó có đến 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động.

Đáng chú ý, tỷ lệ tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao tại gia đình (gần 60%), nơi làm việc (42%) và nơi công cộng, đặc biệt là trong nhà hàng (80,7%).

Theo Ths.BS. Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Y tế dự phòng (Cục Y tế GTVT), người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào người mà còn làm hại cả người xung quanh khi 2/3 số khói lan tỏa ra môi trường mà không vào phổi người hút.

Người không hút thuốc lá nhưng hít thở phải khói thuốc lá vẫn có thể mắc các chứng bệnh của người hút thuốc lá như: Viêm phế quản mãn, giãn phế nang, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, rối loạn khi thai nghén, sinh đẻ và một số bệnh khác.

“Khói thuốc lá chứa khoảng từ 1/3 - 1/2 lượng nicotin của thuốc lá đã hút. Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có carbon oxyt, khí carbonic, axit xyanhydric, axit axetic, propionic, valerianic, butyric; amoniac kèm theo methylamin và những amin khác, những bazơ pyridic và đặc biệt một lượng nhỏ coliđin, chất có mùi thơm nhưng rất độc và các chất gốc phenol”, Ths.BS. Thu cho hay.

Trưởng phòng Y tế dự phòng cũng cho biết thêm, thuốc lá là căn nguyên của 25 bệnh khác nhau, trong đó có trên 10 bệnh ung thư.

Ngoài những dạng ung thư do tác động trực tiếp của khói thuốc lá, nhiều nhất là ung thư phổi, thực quản, dạ dày, họng, hầu, miệng, khói thuốc lá còn là tác nhân gây ung thư tụy, thận, niệu quản, bàng quang, cổ tử cung... 95% bệnh nhân ung thư phổi và 75% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính có tiền sử hút thuốc lá.

Riêng với trẻ em, y học đã chỉ ra, hậu quả do ảnh hưởng khói thuốc lá thực sự khủng khiếp: Tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ cao gấp 1,6 - 8 lần so với người lớn; bên cạnh đó là nguy cơ viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác như: Giảm trí thông minh, dễ mắc bệnh viêm màng não và viêm màng não mô cầu, đột tử, kén ăn, sâu răng…

Cần nghiêm cấm hút thuốc lá nơi công cộng

Ngày 15/11, Nghị định 117 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế liên quan đến phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực, với việc nâng mức xử phạt tối đa lên 500 nghìn đồng với các hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm, người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá; tăng chế tài hầu hết các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nghị định cũng mở rộng thêm quyền xử phạt cho thanh tra các bộ, ngành, cho phép xử phạt nguội qua camera, hình ảnh...

Tuy nhiên, theo Ths.BS. Nguyễn Thị Minh Thu, để quy định này đi vào đời sống, đòi hỏi rất nhiều yếu tố và sự kiên quyết của cơ quan chức năng; cộng đồng cũng phải lên tiếng với hành vi hút thuốc lá không đúng nơi, đúng chỗ để bảo vệ sức khỏe của mình.

“Để xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm hay bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, không riêng lực lượng thanh tra y tế mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng công an... Đặc biệt, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm”, Ths.BS. Thu đề nghị.

PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cũng đề nghị cần quy định rõ chế tài và hướng dẫn xử phạt những đối tượng vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nơi công cộng, trong cơ sở y tế, trường học.

“Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc; địa điểm công cộng; phương tiện giao thông công cộng... Thế nhưng, thực tế nhiều khu vực vẫn bị bủa vây bởi khói thuốc”, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho hay.

Việt Nam có khoảng 28,5 triệu người bị phơi nhiễm khói thuốc lá tại gia đình; 5,9 triệu người bị phơi nhiễm khói thuốc lá tại nơi làm việc; 1,4 triệu người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng.

Hà Linh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới