Đánh giá về thuốc lá làm nóng: Bằng chứng khoa học từ FDA

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cùng các tổ chức y tế trên thế giới đã thực hiện nhiều nghiên cứu độc lập về thuốc lá làm nóng (TLLN). Đó là căn cứ để Bộ Y tế nghiên cứu đưa ra phương án kiểm soát đối với sản phẩm thuốc lá mới này.
 

Vì sao công bố của FDA có giá trị trên toàn cầu?

Năm 2019, FDA đã kiểm định và cấp phép cho 1 loại TLLN đầu tiên được kinh doanh tại Mỹ. Năm 2020, cơ quan này tiếp tục cấp chỉ định cho sản phẩm trên là sản phẩm thuốc lá "Điều chỉnh về mức độ nguy cơ – Giảm thiểu phơi nhiễm (với chất gây hại)" so với thuốc lá điếu truyền thống.

Đánh giá về thuốc lá làm nóng: Bằng chứng khoa học từ FDA

So sánh hàm lượng các chất có hại giữa khói thuốc lá điếu và khí hơi TLLN (Nguồn: FDA).

Cơ sở cho quyết định này đến từ nghiên cứu độc lập của FDA. Theo đó, FDA công bố hàm lượng các chất gây hại của TLLN giảm đáng kể so với thuốc lá điếu. Nói cách khác, việc chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang TLLN làm giảm đáng kể sự tiếp xúc của cơ thể với ít nhất 15 chất gây hại. Đơn cử, hàm lượng acrolein và formaldehyde thấp hơn từ 89 - 95% và từ 66 - 91% so với thuốc lá điếu.

Không chỉ nghiên cứu về độc học, FDA cũng đánh giá về nguy cơ tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong giới trẻ hoặc những người không hút thuốc. Kết quả nhiên cứu cho thấy, rất ít người chưa từng hút thuốc muốn thử sử dụng TLLN, kể cả giới trẻ.

Ngày 21/6 vừa qua, TS. Matthew Farrelly, Giám đốc Vụ Khoa học, Trung tâm Sản phẩm Thuốc lá (CTP) của FDA khẳng định: "FDA hoạt động dựa trên nền tảng phân tích, tổng hợp bằng chứng, dữ liệu để đưa ra chính sách quản lý. Do đó chúng tôi luôn dựa trên các sở cứ khoa học để cấp phép cho TLLN, TLĐT. Dựa quy trình đánh giá nghiêm ngặt, FDA có bằng chứng về lợi ích đối với người trưởng thành hút thuốc khi chuyển sang sử dụng sản phẩm giảm thiểu tác hại này là lớn hơn so với nguy cơ đối với giới trẻ."

Được biết, công bố của FDA có giá trị tham khảo cho chính sách quản lý thuốc lá tại nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines…

Kết quả nghiên cứu tương đồng với FDA tại nhiều quốc gia

Ngoài FDA, nhiều quốc gia đủ điều kiện khoa học kỹ thuật đã thẩm định sản phẩm theo tiêu chuẩn của WHO. Kết quả các nghiên cứu này đều tương đồng với công bố của FDA, đó là hàm lượng các chất gây hại của loại TLLN mà FDA cấp phép là thấp hơn nhiều so với thuốc lá điếu.

Cụ thể, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) Hàn Quốc đã đo lường 9 hợp chất được WHO đưa vào danh sách các chất có nguy cơ cao bắt buộc phải giảm, cũng như nicotine và tar (nhựa thuốc). Kết quả của MFDS đã xác nhận có sự giảm thiểu đáng kể hàm lượng của 9 chất này trong TLLN so với thuốc lá điếu.

Trung tâm Giám sát và Kiểm định Chất lượng Thuốc lá Quốc gia (CNTQSTC) Trung Quốc, một thành viên của Mạng lưới phòng thí nghiệm thuốc lá của WHO cũng tiến hành so sánh 25 hợp chất có hại giữa TLLN và thuốc lá điếu. Kết quả do CNTQSTC công bố cho thấy, phần lớn các hợp chất có hại của loại TLLN do FDA cấp phép này đã giảm mạnh. Báo cáo nêu rõ: Loại TLLN này tạo ra hàm lượng nhiều chất gây hại thấp hơn đến 90%, riêng các chất carbonyl, amoni, NAB thấp hơn khoảng 50-80% so với thuốc lá điếu.

Cục Môi trường thuộc Viện Y tế công cộng Quốc gia Nhật Bản, với phòng thí nghiệm thuộc Mạng lưới Phòng thí nghiệm Thuốc lá của WHO (TobLabNet), đã tiến hành so sánh nồng độ nicotine, tar, carbon monoxide (CO) và nitrosamine của TLLN với thuốc lá điếu. Cơ quan này kết luận, nồng độ các hợp chất nguy hiểm của TLLN thấp hơn rất nhiều.

"Dù vẫn cần thêm nghiên cứu để xác định mức độ giảm tác hại, nhưng "sự giảm thiểu khoảng 80 - 99% hàm lượng các chất độc hại đã được xác nhận là một con số đáng kể, điều này đặt tiền đề về khả năng giảm nguy cơ lên sức khỏe của TLLN", Viện Đánh giá Rủi ro Liên Bang Đức (BfR) công bố.

Nghiên cứu từ các quốc gia cho thấy, dù không an toàn nhưng so với thuốc lá điếu, hàm lượng hầu hết các chất gây hại của TLLN đều giảm mạnh. Mặc dù việc giảm phơi nhiễm với hàm lượng các chất này chưa được khẳng định là giảm tác hại cho người dùng, nhưng theo các chuyên gia, điều này vẫn tốt hơn là tiếp tục hút thuốc lá điếu và là tiền đề cho tiềm năng giảm nguy cơ mắc bệnh do hút thuốc.

Trong nước, hiện Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành đang chờ kết quả đánh giá khoa học toàn diện từ Bộ Y tế đối với TLLN và các sản phẩm thuốc lá mới khác, để quyết định chính sách kiểm soát phù hợp, nhằm chấm dứt tình trạng thao túng của thị trường chợ đen từ nhiều năm qua.

Tại cuộc họp liên bộ về thuốc lá mới vào tháng 4, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đặt vấn đề, nếu chưa đủ căn cứ về mức độ độc hại của sản phẩm thì giải pháp cấm là chưa khả thi.

Tuy nhiên, dù không thể thực hiện các nghiên cứu sâu rộng, Việt Nam vẫn có thể tham khảo nghiên cứu khoa học từ nhiều cơ quan y tế trên thế giới. Từ đó áp dụng việc công nhận các quyết định của quốc tế, làm cơ sở đánh giá đáp ứng điều kiện của sản phẩm.

Theo các chuyên gia, cách tiếp cận này là phù hợp định hướng phát triển ngành y tế, giúp Việt Nam sớm hòa nhập vào nhóm các quốc gia phát triển.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/danh-gia-ve-thuoc-la-lam-nong-bang-chung-khoa-hoc-tu-fda-192240625153416966.htm

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới