Hạnh phúc trao cơ hội sống cho hàng trăm em bé

Trước kia, nhiều khi các bác sĩ lực bất tòng tâm nhìn nhiều sinh mạng vuột khỏi tầm tay ngay khi còn trong bụng mẹ. Nay, mọi chuyện đã khác...

Giữ được con sau 3 lần truyền ối

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cứu thai nhi bị hội chứng truyền máu
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cứu thai nhi bị hội chứng truyền máu

 

Những ngày chớm Hè, trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) chộn rộn niềm vui bởi tiếng ê a của trẻ nhỏ.

Niềm hạnh phúc mà vợ chồng chị ngỡ tưởng vuột khỏi tầm tay, đã may mắn nắm giữ lại được nhờ kỹ thuật truyền ối của các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội.

Ở tuổi 24, mang thai lần đầu với chị Huyền còn nhiều bỡ ngỡ, chị chăm chút thăm khám định kỳ để theo dõi sát sự phát triển của con. 12 tuần, 18 tuần thai nhi phát triển đều.

 
 

Tuy nhiên đến tuần thai thứ 20, bác sĩ sản khoa bắt đầu yêu cầu chị uống nhiều nước vì xuất hiện dấu hiệu của thiểu ối. Giấu nỗi lo lắng, chị Huyền tăng cường uống nước, sữa, rồi nước dừa mỗi ngày.

“Đến tuần thứ 27, bác sĩ thông báo em cạn ối, cần nhanh chóng chuyển lên bệnh viện sản tuyến trên để được theo dõi và can thiệp. Em vẫn nhớ mãi mình đã khóc cạn nước mắt vì lo lắng”, chị Huyền chia sẻ.

Ngay ngày hôm sau, hai vợ chồng chị tức tốc về BV Phụ sản Trung ương. Nhưng rồi cũng vẫn chẩn đoán cạn ối và được chỉ định thăm khám lại sau 2 ngày với dự kiến mổ sinh non để cứu trẻ, nếu không thai sẽ lưu.

Rồi tia hy vọng chợt lóe lên khi một người bạn chia sẻ về trường hợp tương tự nhưng đã ổn sau khi điều trị ở BV Phụ sản Hà Nội. Đêm đó, cả gia đình hầu như không ngủ.

Kết quả siêu âm cho thấy rõ, nước ối cạn dưới ngưỡng cho phép, bó hết người em bé, phải truyền ối ngay. Lần truyền ối đầu tiên được thực hiện ngay ngày hôm sau bởi BS. Nguyễn Thị Sim, Giám đốc Trung tâm Can thiệp bào thai, BV Phụ sản Hà Nội cùng êkip.

Niềm vui ngắn ngủi khi đến tuần 29, trở lại khám, Huyền lại được thông báo “ít ối”, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai. Cô được truyền ối lần 2. Lượng ối giữ được thêm 3 tuần lại tiếp tục giảm.

Trước khi quyết định truyền ối lần thứ 3, bác sĩ cũng cân nhắc rất nhiều vì thai ở tuần từ 32, màng tử cung mỏng, việc truyền phải đối mặt nguy cơ vỡ ối. Hai phương án đồng thời đặt ra, cuối cùng bác sĩ quyết tâm truyền ối để giữ thai. May mắn mọi chuyện đều ổn.

“Em giữ thai được đến 37 tuần 2 ngày thì trở dạ, được bác Sim mổ bắt con. Nghe tiếng con khóc chào đời mà nước mắt em cứ trào ra”, chị Huyền xúc động nhớ lại.

Giúp hàng trăm em bé chào đời khỏe mạnh

Mẹ con chị Ngọc Huyền sau hành trình 3 lần truyền ối giữ thai
Mẹ con chị Ngọc Huyền sau hành trình 3 lần truyền ối giữ thai

Đó chỉ là một trong hàng trăm trường hợp đã được truyền ối trong thai kỳ để cứu bào thai. Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, nếu không xử lý tình trạng thiểu ối kịp thời cho sản phụ, thai nhi sẽ đối mặt với nguy cơ chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay. Nặng hơn, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.

Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nếu sản phụ gặp phải tình trạng thiểu ối, đình chỉ thai nghén trước khi thai chết lưu gần như là lựa chọn duy nhất.

“Với hướng giải quyết này, các cặp vợ chồng không chỉ mất đi đứa con trong bụng, mà việc mang thai lại sau đó cũng khó khăn hơn. Tôi từng gặp những trường hợp phải mất cả chục năm làm thụ tinh ống nghiệm mới có thể tiếp tục có con”, ông Ánh cho biết thêm.

Với các kỹ thuật can thiệp bào thai tiên tiến, thiểu ối đã không còn là căn bệnh “vô phương cứu chữa”. BS. Sim thông tin thêm, khi thực hiện kỹ thuật truyền ối, các bác sĩ sẽ xuyên kim vào buồng ối và bơm dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để nước ối khi siêu âm đáp ứng đầy đủ cho thai nhi theo sức khỏe của sản phụ.

Sau khi truyền ối, sản phụ sẽ được các bác sĩ giám sát, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu nhiễm trùng. Nhờ đó, hàng trăm thai nhi thoát khỏi bàn tay của “tử thần”, giúp các bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.

Mở rộng cửa sống, khỏe mạnh cho nhiều ca khó

Chị Nguyễn Thị Hằng (ở tỉnh Nghệ An) là một trong những sản phụ được can thiệp thành công, giữ được cả hai thai khi mắc hội chứng truyền máu song sinh. Giờ đây hai con chị cũng gần 6 tháng tuổi, phát triển bình thường như bao trẻ khác.

Chị Hằng nhớ lại thời điểm tháng 7/2022, chị được chẩn đoán song thai 23 tuần, hội chứng truyền máu độ 3. Với một thai cho máu nên thiếu máu, túi ối bó chặt, không thấy nước tiểu trong bàng quang; thai còn lại thì nhận máu làm cho túi ối căng phồng (đa ối) chèn lên ngực khiến người mẹ không thở được.

“Khi đó, bác sĩ tại BV Sản nhi Nghệ An cho biết, can thiệp bào thai là phương pháp duy nhất có thể cứu sống hai con”, chị Hằng nhớ lại.

Không kịp đắn đo, suy nghĩ, hai vợ chồng khăn gói quyết tâm ra Hà Nội đến Đơn vị Can thiệp bào thai BV Phụ sản Hà Nội tìm gặp BS. Nguyễn Thị Sim. Ca phẫu thuật nội soi vào bào thai để điều trị hội chứng truyền máu đã nhanh chóng được thực hiện và thành công khi kịp thời giữ được cả 2 thai.

Sau 3 tháng, với sự đồng hành của các y bác sĩ đơn vị Can thiệp bào thai, chị Hằng đã sinh mổ thành công 2 em bé hoàn toàn khỏe mạnh với cân nặng lần lượt là 2.300gr và 2.700gr.

Theo BS. Sim, hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong thai kỳ của một người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng, kết nối chung một bánh rau nhưng lại ở khác túi ối. Điều này khiến cho một thai nhận quá nhiều máu nhưng thai còn lại thì ít hơn bình thường. Nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, một trong hai thai sẽ không thể phát triển tiếp.

Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh giải thích thêm, nếu như trước đây, khi bệnh viện chưa thực hiện được kỹ thuật laser quang đông thì những thai nhi có hội chứng truyền máu song thai sẽ có nguy cơ tử vong cao, hoặc sinh ra sẽ bị dị tật rất nặng, thiểu năng trí tuệ. Nhưng giờ nhờ có kỹ thuật này, cánh cửa đã mở ra.

 

Với quan điểm “bào thai cũng là bệnh nhân”, PGS. Nguyễn Duy Ánh vẫn tiếp tục ấp ủ việc cập nhật thêm nhiều kỹ thuật mới về can thiệp bào thai của thế giới về Việt Nam.

Dự kiến trong thời gian ngắn tới đây sẽ triển khai các kỹ thuật cao như: “Đặt bóng vào khí quản cho thai nhi bị dị tật thoát vị hoành bẩm sinh” nhằm cải thiện tình trạng thiểu sản phổi trong thoát vị hoành, nâng cao tỷ lệ sống sơ sinh ở các trường hợp dị tật thoát vị hoành bẩm sinh và kỹ thuật “Truyền máu trong bào thai cho thai nhi thiếu máu” điều trị cho các bào thai bị thiếu máu trong bụng mẹ, giúp giảm tỷ lệ thai chết lưu và các tổn thương não do thiếu máu bào thai gây ra.

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sống lành mạnh - 08/10/2024

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Sống lành mạnh - 01/10/2024

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới