Khi văn nghệ sĩ “ra trận” chống dịch
Và với cuộc chiến chống dịch Covid-19 cam go hôm nay, những tác phẩm, lời ca tiếng hát của họ đã và đang là nguồn động viên cổ vũ rất lớn để góp phần cùng cả nước sớm đưa cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Văn chương tạo sự thay đổi quan điểm sống
“Công việc ngày càng nhiều lên, nếu mình bớt đi thì đồng nghiệp khác sẽ thêm phần gánh nặng. Đi chống dịch, các đồng nghiệp ở nhà chia nhau làm thêm phần của mình, lịch trực dày hơn. Ai cũng vất vả cả, nhưng công lao lại dồn hết cho phía bên này. Đó cũng là sự bất công mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết được”.
Đây là trích đoạn trong cuốn “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” của bác sĩ Ngô Đức Hùng (bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai).
Cuốn sách ghi chép những suy nghĩ, câu chuyện anh cùng các đồng nghiệp trải qua trong chuỗi ngày “chiến đấu” với Covid-19.
Hội Nhà văn Việt Nam đang bàn với Bộ VH,TT&DL kết hợp phát động cuộc sáng tác về chủ đề “cuộc chiến trong thời bình”. Cuộc chiến này cũng có nhiều mất mát, hy sinh, có những con người ý chí, có truyền thống con người Việt Nam đùm bọc nhau những lúc khó khăn.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Ở đó, hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế trải qua “sự tra tấn khủng khiếp nhất, tàn tệ nhất” giúp độc giả thêm thấu hiểu.
Họ phải mặc bộ đồ bảo hộ “bác sĩ nuôi ong” trong suốt ca trực 8 tiếng mà không dám gãi, cởi, cố nhịn ăn, nhịn uống vì bộ đồ bảo hộ một khi đã cởi ra chỉ bỏ đi.
Ở một nơi khác, trong cuốn “Đi qua hai mùa dịch” được viết chỉ trong 10 ngày, tác giả Dy Khoa lại nói câu chuyện bạn mình người bị giảm lương, người nghỉ không lương… Chính anh cũng “bị điều chỉnh lương ở mức mà tôi chấp nhận được”.
Đây là những tác động của đại dịch một cách rộng rãi, trực tiếp tới người dân không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Đó chỉ là hai trong nhiều cuốn sách được ra mắt trong vòng 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Rất nhiều cuốn các tác giả chuyên lẫn không chuyên ra mắt, ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài như “Thiên đường và địa ngục” (Đinh Hồng Hải), “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” (Iris Lê), trường ca “Sự sống và lòng biết ơn” (Phạm Thị Phương Thảo), “Paris 55 ngày cấm túc” (Giáng Hương)…
Các tác phẩm đa dạng thể loại từ trường ca, bút ký, ghi chép, tiểu thuyết… giúp người đọc phần nào hình dung được những mất mát, khổ đau, vất vả của con người trong đại dịch.
Có thể nói, dù trong chiến tranh, thời bình và bây giờ là dịch bệnh, những người cầm bút chưa bao giờ thôi đau đáu về nỗi đau của đồng bào.
Như lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, suốt 2 năm dịch bệnh hoành hành, đã có hàng trăm tác phẩm văn chương về đề tài này với những cách khai thác khác nhau.
Có tác phẩm viết về sự chia sẻ của con người với nhau, kêu gọi lòng nhân ái, có cuốn nói lên sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch…
Giữa bối cảnh ấy, văn chương xuất hiện những khuynh hướng sáng tác mới. Đó là những sáng tác về niềm hy vọng, tình yêu thương giữa con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thứ nữa là khuynh hướng lý giải tai họa của con người trong đời sống, nguồn gốc sinh ra tai họa. Để từ đó đúc rút rằng, con người đang gánh chịu những tác động từ chính những hành động của mình. Nhìn lại con người đã sống như thế nào.
“Thế giới từng có nhiều tác phẩm viết về những đại dịch của loài người. Những vấn đề tuyên truyền đã được nói hàng ngày, nhưng sâu thẳm về một tác phẩm văn chương mang tính tầm vóc tư tưởng, các tác giả nghĩ về con người, nhân loại. Nó sẽ tạo sự thay đổi về quan điểm sống, thái độ sống của con người và cái nhìn khác của văn chương”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Muôn xúc cảm qua những nét vẽ
Tranh “Bố đánh thắng dịch rồi nhanh về với con và mẹ, nhé bố” của họa sĩ Lê Sa Long
Không chỉ văn học, giới hội họa cũng không ngoài cuộc. Những ngày qua, bộ tranh “Sài Gòn trong thời giãn cách” của họa sĩ Lê Sa Long được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội và truyền thông.
Bộ tranh ký họa sinh hoạt, tình cảm của người dân Sài Gòn trong những ngày giãn cách, cũng như khung cảnh Sài Gòn trong thời dịch bệnh.
Đó là hình ảnh bác sĩ “Trước lúc lên đường vào hỗ trợ bà con Sài Gòn vượt qua đại dịch”, tranh “Em bé đi cách ly”, “Cửa hàng không đồng - nét đẹp người Sài Gòn, san sẻ khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh”, “Người mẹ thiên thần” trong thời Covid…
Theo lời họa sĩ Lê Sa Long, đó là ghi chép phản ánh đời sống qua một thời kỳ thành phố bị cơn bạo bệnh. Anh đã thấy những sự bất an, lo lắng, thấy đời sống người dân nghèo.
“Tôi cũng thấy những cung đường hàng ngày mình qua bị chăng dây. Nó như các vết xước trên gương mặt thành phố thân thương. Những điều đó tôi bắt đầu phản ánh qua những bức tranh của mình”, họa sĩ tâm sự.
Không chỉ họa sĩ Lê Sa Long, hàng loạt tác phẩm hội họa đa dạng đề tài, thể loại, tái hiện cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua cũng liên tiếp được ra đời.
Ví như “Những người hùng thầm lặng” (họa sĩ Trần Trung Lĩnh), tranh cổ động “Ở nhà là yêu nước” của họa sĩ Lê Đức Hiệp… Chưa hết, rất nhiều cuộc đấu giá tranh đã được thực hiện để gây quỹ, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch từ suốt năm 2020 tới nay.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, các tác giả vẫn vẽ tranh theo phong cách của mình với những nét vẽ quen thuộc.
Họ vẽ về những điều khiến mình lay động, truyền tải cảm xúc tới người xem. Đó là tấm lòng của nghệ sĩ với những xúc cảm về hoàn cảnh của đất nước, đồng bào.
Các tác phẩm hội họa không cần viết nhiều chữ nhưng vẫn mô tả, phản ánh được chân thực về đời sống, về tuyến đầu chống dịch, người dân... dưới góc nhìn của họa sĩ.
Thế nhưng, khác với văn chương, hội họa trong thời kỳ dịch bệnh lần này chưa xuất hiện rõ ràng những xu hướng mới về nghệ thuật.
Như lời họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì “nghệ thuật không phải một sớm một chiều có thể thay đổi”. Trong bối cảnh Covid-19, tranh cổ động được sáng tác nhiều nhất bởi đây là loại hình tác chiến nhanh nhất, cũng là loại hình hội họa chưa bao giờ cũ.
“Ta chỉ có thể hy vọng qua những vấn đề này, họa sĩ có thêm sự can đảm và bản lĩnh để sống, làm nghệ thuật. Lúc này, cái mới không quan trọng mà cần sự khác biệt để làm thay đổi xu thế của nền mỹ thuật đương đại. Điều đó phải qua vài thế hệ”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thổ lộ.
Âm nhạc mải miết đồng hành
Nhiều ca khúc về đề tài bệnh dịch ra đời, nhiều nghệ sĩ dùng âm nhạc cổ vũ Việt Nam chiến thắng
Suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19, hàng trăm ca khúc, sản phẩm âm nhạc liên tục được ra mắt. Từ những bản nhạc cổ động tinh thần như “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid!”, “Tự hào Việt Nam” tới những ca khúc ca ngợi tuyến đầu chống dịch với “Anh sẽ về nhưng chưa phải hôm nay”, “Cảm ơn những trái tim yêu người”…
Số lượng ca khúc sáng tác về đề tài dịch bệnh cũng không nhỏ. Tháng 4/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 và đã nhận được hơn 200 tác phẩm gửi về.
Trong đợt 2 kêu gọi vào cuối tháng 7/2021, số lượng tác phẩm gửi về gấp đôi với hơn 400 tác phẩm. Mỗi bài hát mang góc nhìn, chất liệu, dòng âm nhạc riêng.
Không chỉ là bài hát, hàng loạt nghệ sĩ đã xung phong, tình nguyện lao vào tâm dịch, những khu cách ly, bệnh viện dã chiến để phục vụ tinh thần cho tuyến đầu chống dịch, các bệnh nhân, những người cách ly…
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhìn nhận, điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sĩ với công cuộc chống dịch.
Họ quyết tâm chia sẻ những giá trị tinh thần với nhân dân, với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, những người dân trong vùng dịch.
Thế nhưng, đối với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vẫn có sự lấn cấn. Ông nhận định, có nhiều bài hát dù mong dịch qua đi nhưng cách viết nhạc không mới, khiến người nghe có cảm giác nhuốm buồn, bế tắc trong ước mơ về tương lai dịch bệnh được kiềm chế. Một số ít các ca khúc của các tác giả trẻ có tiết tấu mới, sinh động, bớt ảm đạm.
“Dòng nhạc Đỏ thời Cách mạng hầu hết mang tính tích cực, ít phơi bày mất mát, đau đớn, hy sinh. Ngày nay, “chống dịch như chống giặc”, cũng có mất mát không kém nhưng lại không nhiều tác phẩm mang xu hướng tích cực”, tác giả “Thành phố ơi, ngày mai trời lại sáng” chia sẻ.
Hồ An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Một người đàn ông hoại tử vùng sinh dục, hậu môn vì đắp lá chữa bệnh
Sống lành mạnh - 17/09/2024
Một người đàn ông hoại tử vùng sinh dục, hậu môn vì đắp lá chữa bệnh