Ba năm sau, trong bản cập nhật Groundswell được công bố hôm 13/9, WB nâng mạnh con số này lên 216 triệu người, tương đương 3% số dân của các khu vực được khảo sát. Trong đó, khu vực Sahara ở châu Phi có số người di cư cao nhất, với 86 triệu người; khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương 49 triệu người; Nam Á 40 triệu người, Bắc Phi 19 triệu người; Mỹ Latin 17 triệu người; Ðông Âu và Trung Á gộp lại khoảng 5 triệu người.
Con số nêu trên còn chưa tích hợp số liệu người di cư liên quan khí hậu tại các nước Trung Ðông, các quốc đảo nhỏ và cả các quốc gia giàu có ở châu Âu và khu vực Bắc Mỹ cũng chưa tính đến làn sóng di cư xuyên biên giới. WB lưu ý, đây chỉ là ước tính, con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều.
Phiên bản Groundswell 2.0 chỉ rõ, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính của làn sóng di cư trong những thập niên tới. Tình trạng khan hiếm nguồn nước, thiếu lương thực, năng suất cây trồng sụt giảm, cùng tình trạng nước biển dâng, trái đất nóng lên đang đe dọa nghiêm trọng sinh kế và phúc lợi của người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng, suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 khiến tình hình thêm phức tạp.
WB cảnh báo, nếu thế giới không hành động quyết đoán và mạnh mẽ, các điểm nóng "di cư vì khí hậu" sẽ sớm xuất hiện, khi người dân phải rời bỏ nơi họ không thể duy trì cuộc sống và tìm cơ hội sinh tồn ở những nơi khác. Phó Chủ tịch WB Juergen Voegele ước tính, số người di cư có thể giảm tới 80%, còn 44 triệu người vào năm 2050, nếu ngay từ bây giờ, các nước đẩy nhanh thực thi cam kết giảm "khí nhà kính", triển khai mạnh chính sách phát triển bền vững, phục hồi hệ sinh thái và thích ứng biến đổi khí hậu.
Thực tế, biến đổi khí hậu tác động nhiều nhất tới những người nghèo nhất, những khu vực khó khăn và dễ bị tổn thương nhất. Công bố báo cáo cập nhật, WB đã gióng hồi chuông khẩn mới, để thế giới hành động ngay nhằm chặn "sóng di cư" do biến đổi khí hậu.