Mì Hảo Hảo bị thu hồi vì có chất cấm, ăn mì tôm có an toàn cho sức khoẻ?
Mì ăn liền có thể bị thu hồi tại Châu Âu nhưng lại được chấp nhận tại Mỹ, Canada
Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) vừa ra thông báo thu hổi sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Acecook vì chứa chất Ethylene Oxide (EO) gây ung thư. Tương tự Liên minh Châu Âu (EU) cũng ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương vì chứa chất cấm trên. Ông nhận định như thế nào trước những thông tin dồn dập này?
Trước hết, cần phải nhấn mạnh nguyên nhân chính xác khiến FSAI thu hồi khẩn cấp 3 lô sản phẩm, gồm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Acecook (Việt Nam), cùng với mì ăn liền Yato Seafood của Trung Quốc; bởi có hàm lượng EO vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của Châu Âu.
Đây cũng không phải là lần thu hồi mì ăn liền đầu tiên. Trước đó, vào 12/8/2020, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Ramen Rabokki (thương hiệu Paldo của Hàn Quốc) vì có hàm lượng EO cao.
Theo báo cáo của CVUAS (Đức) vào tháng 7 năm 2021, cơ quan này phân tích hàm lượng EO trong 25 sản phẩm mì ăn liền có nguồn gốc từ châu Âu (3) Trung Quốc (5), Hàn Quốc (4), Việt Nam (5), Thái Lan (4), Indonesia (3), Đài Loan (1).
Kết quả các phẩm chứa EO như sau: 5/5 sản phẩm của Việt Nam đều chứa EO trong đó có 3 sản phẩm vượt mức. Hàn Quốc có 3/4 sản phẩm chứa EO, trong đó có 2 sản phẩm vượt mức; Trung Quốc có 2/5 sản phẩm chứa EO vượt mức. Thái Lan có 1 sản phẩm chứa Eo. Còn lại Indonesia và Đài Loan không có sản phẩm nào. Điều đáng nói, mì ăn liền của Việt Nam có EO hàm lượng cao trong gói rau, có sản phẩm lên tới 150 mg/kg, bột gia vị cũng có hàm lượng cao đáng kể; so với các nước thì mì của Việt Nam nhiễm EO nhiều hơn đáng kể.
Tóm lại, không chỉ mì ăn liền của Việt Nam bị thu hồi ở châu Âu, mà Hàn Quốc và Trung Quốc cũng bị. Tuỳ theo quy định tiêu chuẩn EO của từng quốc gia, một gói mì ở châu Á thì an toàn, sang Canada cũng sẽ an toàn, đến Mỹ khắt khe hơn chút, nhưng sang châu Âu thì rất dễ bị thu hồi.
Vậy EO là chất có tác hại ra sao thưa ông? Nếu độc hại, tại sao lại tồn dư trong thực phẩm?
EO là một chất khử khuẩn phổ rộng, có khả năng làm biến đổi biến đổi gen, nên tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Vì lí do đó, năm 1981 Đức cấm sử dụng EO làm thuốc trừ sâu và khử trùng thực phẩm, đến năm 1991 thì Liên minh Châu Âu cũng chính thức ban hành lệnh cấm.
Ngược lại, ở châu Á, thậm chí cả Mỹ và Canada vẫn cho phép sử dụng EO làm chất khử trùng hay thuốc bảo vệ thực vật bởi tới nay, vẫn chưa có giải pháp khử khuẩn nào hữu hiệu hơn.
Mỗi quốc gia quy định hàm lượng EO khác nhau. Cụ thể, tại Châu Âu vì khó có thể có con số tuyệt đối nên chỉ cho phép hàm lượng EO từ 0,02 – 0,1 mg/kg.Trong khi đó, Canada cho phép hàm lượng EO ở mức 500 mg/kg; Mỹ cho phép EO trong các loại gia vị, thảo mộc khô, rau khô và hạt có dầu (kể cả vừng) từ 7 đến 940 mg/kg.
Hiện nay, Châu Á nói chung và Việt Nam, chưa đưa ra quy định về hàm lượng EO trong thực phẩm. Chỉ riêng tại Hàn Quốc, mới quy định tiêu chuẩn giới hạn tạm thời EO dưới 30 mg/kg, thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 10 mg/kg.
Ông có thể lý giải vì sao cùng một hoạt chất, tại sao lại có quy chuẩn chênh lệch cao như vậy ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia?
Sở dĩ có sự khác nhau bởi theo từng quan điểm dựa trên điều kiện thực tế của mỗi vùng, mỗi quốc gia. Đơn cử, Mỹ và Canada cho rằng, yếu tố dẫn tới nguy cơ ung thư không nguy hiểm bằng các yếu tố gây nhiễm khuẩn, nên cho phép sử dụng EO.
Tại Châu Á đặc biêt là khu vực Đông Nam Á, do điều kiện thời tiết khí hậu thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa nên nguy cơ nhiễm khuẩn, nấm mốc rất cao. Chính vì vậy, các nhà chức trách đã phải cân nhắc rất nhiều nên buộc phải lựa chọn thà chấp nhận lượng tồn dư EO còn hơn để thực phẩm nhiễm khuẩn.
Còn Châu Âu điều kiện nuôi trồng đều tuân thủ theo quy trình hữu cơ chuẩn, trong môi trường khử khuẩn. Rau sống mua ở ngoài siêu thị về chỉ cần cắt bỏ gốc là dùng luôn, không cẩn rửa. Bởi vì rau sống được trồng hữu cơ trong nhà kính vô trùng, người vào chăm sóc thì phải mặc PPE nghiêm ngặt như bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, người chăm sóc mà bị ốm dứt khoát không được phép vào. Đó là lí do tại sao châu Âu tiêu chuẩn lại ngặt nghèo như vậy.
Nhà sản xuất, người tiêu dùng cần phải làm gì?
Tới nay, về phía nhà sản xuất Acecook Việt Nam vẫn khẳng định toàn bộ quy trình sản xuất không sử dụng chất EO. Vậy họ có quá tự tin?
Mì ăn liền được sản xuất làm theo nguyên tắc chiên khô bằng dầu mè hay dầu cọ, vì chiên nên nhiệt độ cao sẽ diệt hết vi sinh vật. Cũng vì được chiên ở nhiệt độ cao, bánh mì hút hết nước, nó làm cho vi sinh vật không thích hợp để tồn tại, nên bảo quản đc khá lâu. Chính vì thế mà mì ăn liền không sử dụng hoá chất khi chế biến và bảo quản như mọi người vẫn tưởng.
Tuy nhiên rau, tương ớt, gia vị nhập về lại không qua quy trình trên nên có thể nhiễm EO từ môi trường hoặc quá trình khử khuẩn, gây dư hàm lượng. Đây cũng là giả thuyết được xem phù hợp nhất. Thực tế kết quả xét nghiệm tại Đức mà tôi đã nói ở trên chứng minh cho giả thuyết này.
Vậy ngay lúc này, nhà sản xuất cần phải làm gì?
Nhà sản xuất phải tự điều tra toàn bộ quy trình sản xuất của mình. Song song với đó, cơ quan chức năng phải đứng ra làm đầu mối kiểm tra xét nghiệm các thành phần trong mì ăn liền.
Tuy nhiên hiện Châu Á chưa đưa ra tiêu chuẩn EO trong thực phẩm. Do đó vấn đề này cần được cơ quan chức năng nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên bối cảnh thực tiễn của Việt Nam và các tiêu chuẩn các quốc gia khác đã công bố.
Riêng với thị trường Châu Âu, bắt buộc các nhà cung cấp rau củ quả phải canh tác bằng phương pháp hữu cơ gần như tuyệt đối mới đạt ngưỡng EO tiêu chuẩn. Điều này cũng có nghĩa giá thành sẽ bị đội lên rất nhiều.
Về phía người dân, ông có thể nêu khuyến cáo nên ứng xử như thế nào trước thông tin trên?
Mì ăn liền được ra đời tại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Từ đó tới nay, món ăn này vẫn được ưa chuộng và sử dụng phổ biến ở nhiều nước. Đáng nói đây cũng là giải pháp hữu hiệu để đối phó trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt trong thiên tai dịch hoạ, giúp cung cấp năng lượng cho người dân.
Tất nhiên không thể phủ nhận những yếu tố đi kèm như khó tiêu, gây lão hoá…nhưng về cơ bản mì ăn liền được sản xuất hiện nay vẫn đảm bảo an toàn. Vì vậy, người dân mỗi khu vực, mỗi quốc gia hãy nghe theo khuyến cáo chung của từng quốc gia, từng khu vực nơi mình đang sinh sống.
Cá nhân tôi cũng cho rằng, sự việc này không nên bị đẩy quá về mặt truyền thông, gây tâm lý hoang mang không cần thiết.
Cảm ơn ông!
Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tương tự, Bộ Công thương cũng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương khẩn trương báo cáo về vụ mì của công ty bị thu hồi vì chứa chất cấm, chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty đang phân phối trong nước.
Tuyết Trịnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ