Nhiều người điếc đột ngột, sốc nhiễm khuẩn vì ăn tiết canh lợn
Sốc nhiễm khuẩn sau bát tiết canh lợn
Theo ghi nhận của CDC Hà Nội, một bệnh nhân nam (83 tuổi, quận Hà Đông), khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, vào khám Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Sau đó bệnh nhân sốt cao, cứng gáy, rối loạn ý thức, xét nghiệm cấy máu cho kết quả dương tính với liên cầu lợn. Tiền sử dịch tễ, cách 5 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn tiết canh tại đám cỗ ở Nam Định.
Tại BV Quân y 103 cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam (56 tuổi, huyện Ứng Hòa) tới viện trong tình trạng sốt cao kèm theo cơn rét run, xuất hiện đau đầu, buồn nôn, nôn khan, điếc đột ngột. Sau khi nhập viện Bệnh viện Quân Y 103, xét nghiệm nuôi cấy dịch não tủy phát hiện dương tính với liên cầu lợn. Theo bệnh nhân, gia đình không chăn nuôi lợn, trong vòng 2 tuần trước khởi phát bệnh nhân không ăn tiết canh lợn, không tham gia giết mổ lợn.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (50 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định) sốc nhiễm khuẩn. 3 ngày trước nhập viện, bệnh nhân mổ lợn và làm tiết canh liên hoan cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn và tử vong ngay sau đó.
Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn phải nhập viện điều trị sau khi ăn tiết canh hoặc đồ tái, sống từ thịt lợn.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hàng năm, bệnh viện tiếp đón từ 50-100 bệnh nhân nhập viện liên quan đến liên cầu lợn. Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, bệnh lây truyền trực tiếp từ lợn sang người do vi khuẩn streptococcus suis gây nên.
Di chứng nặng nề sau nhiễm liên cầu lợn
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cảnh báo, liên cầu lợn là một chủng vi khuẩn cư trú thường xuyên ở con lợn, nếu người dân dùng các món được chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín, như: tiết canh, nem chua, nem chạo... cũng dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Ngoài ra, tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng khiến người giết mổ lợn có nguy cơ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các vết trầy xước trên da.
Liên cầu lợn có 2 thể bệnh chính, thể hay gặp nhất là viêm màng não mủ, bệnh nhân có thể sốt cao sau đó co giật, lơ mơ, hôn mê, nặng hơn là bị phù não dẫn đến tử vong.
Theo BS Cấp, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... các triệu chứng này khiến nhiều người nhầm với rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng, tử vong nhanh chóng.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.
Hiện chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên ăn các sản phẩm được nấu chín, không sử dụng các món ăn tươi sống như tiết canh, tái, nem chạo… để phòng tránh nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ