Sau bữa tiệc, nam thanh niên nguy kịch vì ăn so biển
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân Trịnh Văn Tài, 27 tuổi bị suy hô hấp nặng, nguy kịch do ngộ độc so biển.
Gia đình cho biết, trong bữa tiệc liên hoan cùng bạn bè cuối tuần qua, anh Tài đã ăn 1 con so biển có nhiều trứng, ngay sau đó, xuất hiện các triệu chứng như tê bì tay, chân, tê nóng vùng môi, lưỡi, nôn thốc và được đưa vào BV Bãi Cháy cấp cứu.
BS Lê Tiến Dũng cho biết, khi vào viện, bệnh nhân đã chuyển suy hô hấp nặng, tình trạng hết sức nguy kịch nên ngay lập tức, được chỉ định đặt ống nội khí quản, điều trị thải độc bằng thuốc bài niệu, gây nôn hết thức ăn, rửa dạ dày khẩn cấp, hồi sức tích cực theo phác đồ.
Sau hai ngày chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh nhân đã tỉnh táo qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản, tự thở tốt.
Theo BS Dũng, bệnh nhân bị ngộ độc chất tetrodotoxin trong so biển rất điển hình. Do độc tố mạnh nên dù ăn phải lượng nhỏ, chỉ trong vài phút, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh.
Bệnh nhân sẽ bị rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử… rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương dây thần kinh và có thể tử vong ngay lập tức.
Như vậy, tình trạng ngộ độc so biển xuất hiện và chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chuyển đến bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời.
Thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong ngay trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế.
Theo nghiên cứu y khoa, độc tố tetrodotoxin có trong so biển, tập trung chủ yếu ở buồng trứng. Đặc biệt vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ càng cao.
Ngoài ra cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển… cũng chứa độc tố tetrodotoxin.
Đáng lưu ý, chất tetrodotoxin rất bền nhiệt nên ngay cả khi chế biến, nấu kĩ, chất độc vẫn còn. Hiện nay, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu với loại chất độc này.
Tại BV Bãi Cháy từng cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc so biển do nhầm lẫn so với sam hoặc chủ ý ăn các món chế biến từ con so.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, so biển có hình dạng rất giống sam nhưng kích thước nhỏ hơn, đuôi tròn và sống đơn lẻ. Khi trưởng thành con so có kích thước tối đa là 25cm, trọng lượng dưới 1 kg (trong khi đó sam trưởng thành nặng từ 1,5 - 2kg).
Người dân cần thận trọng phân biệt giữa con so và con sam khi sử dụng để chế biến món ăn, tuyệt đối không ăn các món ăn từ con so.
Nếu phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi… nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ