Tổ dân phố đặc biệt trong khu cách ly bệnh viện
15h chiều, như thường lệ, từ tầng 4 bệnh viện các y bác sĩ lại chuẩn bị đến các phòng kiểm tra sức khỏe cho người cách ly. Khử trùng cẩn thận, mặc bộ đồ bảo hộ che kín từ đầu đến chân, đi qua tấm biển "Khu vực cách ly", 2 nhân viên y tế chậm rãi bước lần lượt vào các phòng.
Gõ cửa căn phòng đầu tiên của tầng 5 nữ bác sĩ hô to: "Các em ơi, chị đến kiểm tra nhiệt độ, sức khỏe". Từ phía trong, Trần Đức Thắng (du học sinh, 28 tuổi) và người em cùng phòng nhanh nhẹn ra mở cửa, mặt đeo khẩu trang nhưng chỉ cần nhìn qua ánh mắt là thấy các anh đang cười rất vui. 2 tuần cách ly theo quy định nên chỉ có các bác sĩ, điều dưỡng là "khách" được vào hẳn bên trong các phòng.
Thắng - du học sinh trường ĐH Dongguk (Gyeongju, Hàn Quốc) - về nước từ ngày 25/2, theo học chương trình thạc sĩ đã được 4 năm, chuẩn bị ra trường. Vừa từ Việt Nam ăn Tết, quay trở lại Hàn Quốc được 5 ngày thì dịch bệch Covid-19 bùng phát buộc anh phải gác lại việc học và về nước một lần nữa.
Khu cách ly nằm ở tầng 5 và tầng 6 của bệnh viện, có 44 phòng, vốn là nơi được xây dựng để phục vụ cho các cán bộ, chiến sĩ ngành công an từ các tỉnh đi học hoặc công tác ở Hà Nội. Nay được trưng dụng để đón bà con, người từ vùng có dịch ở nước ngoài trở về.
Mỗi phòng cách ly có 2 giường. Mỗi ngày, những người cách ly được phục vụ đầy đủ 3 bữa ăn tận phòng.
Thắng đặc biệt ấn tượng với các anh chị y bác sĩ. Họ đều mặc đồ bảo hộ che kín nên anh vẫn chưa biết hết mặt của từng người. Ngày 2 lượt được các y bác sĩ lên thăm khám, đo nhiệt độ, qua sự quan tâm chăm sóc chu đáo anh càng yên tâm hơn.
"Bình thường thì mình sẽ đọc sách, chơi game, trò chuyện qua điện thoại nhưng vẫn không bằng cảm giác được nói chuyện trực tiếp. Các bác sĩ đoán được điều này nên cũng hỏi thăm công việc, gia đình, thi thoảng pha vào những câu trêu đùa tạo cho mình cảm giác như ở nhà vậy", anh nói.
Mỗi lần lên thấy các bạn vẫn còn ngái ngủ, các bác sĩ thường trêu “ngủ ít thôi không tuổi thọ lại ngắn đi” hoặc là có những lúc các bạn đi tắm không ra kịp để đo nhiệt độ liền bị các chị mắng: 'Tắm ít thôi, lần nào lên cũng thấy các em tắm, tắm nhiều lại nhạt thịt'. Chúng tôi cười khì, rất thoải mái”.
Thắng chia sẻ, mọi người sống trong khu cách ly rất tình cảm, chia nhau những thực phẩm tiếp tế từ gia đình, kết bạn qua Facebook và lập hẳn một “tổ dân phố” online trong khu cách ly để hỗ trợ, động viên nhau. Khi ai đó hết thời gian cách ly chia tay ra về thì cảm giác như tạm biệt một người thân.
Ngày đầu khi có một phụ nữ quốc tịch Mexico được đưa vào đây, dù được giải thích bắt buộc phải cách ly nhưng chị đã khóc rất nhiều khiến các y bác sĩ vô cùng khó xử. Các du học sinh trong 'tổ dân phố' đã “ra tay” giúp phiên dịch, hỗ trợ nên chị mới hiểu, bây giờ đã trở nên rất thân thiết với nhau.
Hay chuyện anh chàng người Ý, vì không quen cơm Việt, thèm hoa quả nhưng lại chẳng có người thân hay bạn bè tiếp tế, không ai nói chuyện cùng. May mắn anh chàng lại ở cạnh phòng 2 bạn nữ nên hàng ngày được các bạn tặng hoa quả, giải đáp mọi thắc mắc.
"Trần Đức Thắng, 36,7 độ, bình thường, em cách ly được 9 ngày rồi, tình hình sức khỏe ổn định tuần này có thể ra được rồi; có biểu hiện gì bất thường, hoặc gặp vấn đề gì cần giúp đỡ nhớ gọi cho chị nhé, chị luôn túc trực ở tầng dưới", nữ bác sĩ nói xong chào tạm biệt để sang các phòng tiếp theo.
Ngồi đăm chiêu trên hàng ghế ngoài hành lang, Nguyễn Viết Nam (22 tuổi) du học sinh từ Daegu (Hàn Quốc) vẫn không tin mình có thể trở về nước và thoải mái lướt mạng theo dõi tin tức hàng ngày ở tâm dịch Hàn Quốc. Nam theo học ngành kinh doanh tại ĐH Daegu. Trường học lùi lịch khai giảng, bố mẹ liên tục gọi điện giục về nên Nam quyết định về lại Việt Nam.
Cũng giống như Thắng, ngồi trên máy bay từ Hàn Quốc về, Nam bồn chồn lo lắng không biết máy bay có được hạ cánh ở Việt Nam không. Vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, cậu tự trấn an "về nước là tốt rồi, tiếp theo như thế nào sẽ nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định".
Rời khỏi máy bay là được kiểm tra ngay thân nhiệt, khai báo y tế, Nam cùng các công dân Việt khác được đưa thẳng vào khu cách ly. Các nhân viên y tế nghiêm túc dặn dò mọi người chỗ ăn ở, chỗ nào là khu cách ly, chỗ nào không được phép sang.
Dáng người cao lớn, chàng trai đến từ Bắc Giang đứng lên ngồi xuống liên tục. "Ở trong phòng lâu khiến cơ thể rệu rã nên em ra đây hóng gió, vận động một chút", Nam nói.
"Ăn uống được hỗ trợ miễn phí, muốn mua thêm gì thì gọi shipper và nhờ các chị bác sĩ nhận hộ. Anh em trong này đều vui vẻ, người từ khắp nơi đổ về mà coi nhau như gia đình. Ở đây vài ngày em còn gặp cả đồng hương, có người học cùng trường", Nam vui vẻ kể.
Thấy y bác sĩ ngày đêm túc trực thăm khám sức khỏe, các chị nhà bếp thức khuya dậy sớm lo cơm nước, nhiều người xúc động lắm. Mọi người bảo nhau chú ý giữ gìn vệ sinh phòng ở, bỏ rác đúng nơi quy định để các anh chị đỡ vất vả.
"Mình cách ly cho mình, cho người xung quanh mình. Vào đây rồi, có các anh chị, các y, bác sĩ chăm sóc tận tình. Nước mình đang làm rất tốt, mình biết ơn lắm", Nam xúc động nói.
Trần Thường - Thu Hằng
Thiết kế: Thu Hằng
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ