Từng bước chủ động quay về cuộc sống bình thường mới
Thận trọng khi nới lỏng
Biết tin thành phố Hà Nội quyết định cho phép một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại từ 12 giờ ngày 16/9, trong đó có dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, anh Lê Văn Hòa, chủ cửa hàng sửa xe máy trên phố Kẻ Tạnh (phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) rất vui. "Gần hai tháng qua, tôi và hai thợ phải nghỉ việc, nên khó khăn về kinh tế. Bây giờ được hoạt động lại, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, khách đem xe đến sẽ được sửa và hẹn giờ đến lấy, hạn chế tiếp xúc". Ðó là tâm trạng chung của rất nhiều chủ cửa hàng trong diện được mở cửa trở lại tại 19 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội. Thức cả đêm để lau dọn cửa hàng bánh cuốn Cao Bằng trên phố Ngô Gia Tự (quận Long Biên), chị Ðặng Thị Ba chia sẻ: "Thu nhập từ việc bán mang về không được như phục vụ tại chỗ, nhưng cũng sẽ giúp chúng tôi trang trải chi phí hằng ngày".
Ghi nhận trên các phố "ẩm thực": Ngọc Lâm (quận Long Biên), Ngọc Khánh, Giảng Võ (quận Ba Ðình)… các thực khách giữ khoảng cách trong lúc xếp hàng chờ mang về.
Ðợi đến hơn 12 giờ trưa, chị Nguyễn Thị Linh ở khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) ra ngay cửa hàng sách, văn phòng phẩm gần nhà để mua đồ dùng học tập cho con.
Chủ tịch UBND quận Ba Ðình Tạ Nam Chiến cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố, quận đã có văn bản giao Chủ tịch UBND các phường hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động; các cơ sở kinh doanh cài đặt mã QR; chủ cơ sở, nhân viên phải được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và phải ký cam kết các quy định về phòng, chống dịch. "Quận thành lập ba đoàn kiểm tra cấp quận, mỗi phường thành lập một đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát các cơ sở kinh doanh, cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm"- Chủ tịch UBND quận Ba Ðình nói. Tại quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Ðình Khuyến cũng thông tin đã giao cho UBND các phường vừa hướng dẫn các cửa hàng mở cửa trở lại bảo đảm an toàn, vừa tăng cường và kiên quyết không cho hoạt động với cơ sở nào chưa đủ điều kiện phòng, chống dịch. UBND các phường sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để "lọt" vi phạm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn, sau khi thành phố có quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn, việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân. Theo đó, người dân khi di chuyển trong các khu vực "vùng xanh" sẽ không phải xuất trình giấy đi đường. Tuy nhiên, ở "vùng đỏ", người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16. Tinh thần chung của Hà Nội là mở cửa thận trọng, từng bước, không nới lỏng đồng loạt để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Không để mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập
Sau tròn một tháng phong tỏa cứng toàn thành phố, áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để phòng, chống dịch, từ 8 giờ sáng 16/9, thành phố Ðà Nẵng cho phép mở lại một số hoạt động, dịch vụ xã hội. Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng Lê Trung Chinh, cho biết: Tại các vùng có nguy cơ (vùng vàng), được phép mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu với 50% số người làm việc. Mỗi hộ dân được đi mua hàng năm ngày/lần trong khu vực sinh sống theo giấy mua hàng có mã QR. Các dịch vụ xã hội như bưu chính; viễn thông; báo chí và phát hành báo chí, ngân hàng; cảng biển; hàng không; đường sắt; đường bộ được phép mở cửa hoạt động, nhưng bảo đảm tuân thủ tất cả yêu cầu về phòng, chống dịch. Các cơ quan, công sở bố trí 70% số người làm việc, nếu 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19 thì được tăng số người làm việc.
Tại vùng xanh, người dân được ra khỏi nhà để đi chợ, siêu thị... ba ngày/lần; được ra ngoài tập thể dục, thể thao tại nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh vào những giờ nhất định. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang về. Các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có dưới 100 lao động được bố trí tối đa số người làm việc; cơ sở có từ 100 lao động trở lên thì được bố trí 70% số người làm việc. Các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có dưới 100 lao động được bố trí 70% số người làm việc; cơ sở có từ 100 lao động trở lên được bố trí 50% số người làm việc. Tất cả các cơ sở sản xuất nếu bảo đảm "ba tại chỗ" thì được phép hoạt động 100% công suất.
Theo Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Ðà Nẵng Phạm Trường Sơn, hiện có 560 doanh nghiệp ở Ðà Nẵng tổ chức lại sản xuất theo quyết định của thành phố, với 36.000 lao động đăng ký làm việc. Từ ngày 5/9, 100% số lao động làm việc tại doanh nghiệp được xét nghiệm với tần suất ba ngày/ lần. Ban quản lý thành lập tám tổ kiểm tra cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại doanh nghiệp. Ông Ngô Huy Chiến, Giám đốc xưởng sản xuất thiết bị đo điện tử Ðiện lực Miền Trung đóng tại khu công nghiệp Hòa Cầm cho biết: "Chúng tôi tổ chức dây chuyền sản xuất với 94 lao động. Hệ thống giám sát đặt ở ngay cổng ra vào với máy đo thân nhiệt, máy đọc mã khai báo y tế, sát khuẩn kết nối trực tiếp với CDC Ðà Nẵng và Tổng công ty để giám sát. Yêu cầu toàn bộ lãnh đạo nhân viên, công nhân đều khai báo, quét mã không tiếp xúc, ba ngày/lần được xét nghiệm tầm soát.
Chị Lê Thị Thu Hà, công nhân phân xưởng linh kiện cho biết: "Việc kiểm soát chặt chẽ làm chúng tôi yên tâm khi vào làm việc, tất cả công nhân đều hiểu rõ và nắm vững quy trình khai báo, kiểm soát dịch bệnh, yên tâm làm việc. Tổ an toàn phòng, chống dịch của doanh nghiệp đã hướng dẫn cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để thiết lập khu cách ly tập trung trong trường hợp nghi ngờ có người nhiễm bệnh".
Hiện nay, Ðà Nẵng triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu đến hết tháng 9 tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Ngày 16/9, Ðà Nẵng chỉ ghi nhận hai ca mắc mới Covid-19, tình hình dịch đang được kiểm soát. Ðồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng khẳng định: Ðà Nẵng đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, vì mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nếu không kiểm soát tốt. Vì thế, toàn hệ thống chính trị, ngành y tế phải luôn chủ động theo dõi, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm từng trường hợp từng ca bệnh theo hướng điều tra truy vết nhanh, đủ, chính xác; kiểm soát chặt người ra, vào thành phố, không để mầm bệnh từ bên ngoài lọt vào thành phố.
Việt Anh, Quốc Toản, Thanh Tùng và Anh Ðào
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ