Vụ phát hiện "giòi trong miếng cá kho" ở Clever Food sẽ xử lý ra sao?

Theo LS. Đặng Văn Cường, vụ "giòi trong miếng cá kho" ở Clever Food cần xác minh rõ nguyên nhân, hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp.
Khách hàng phát hiện nhiều giòi trong miếng cá kho mua ở cửa hàng Clever Food
Khách hàng phát hiện nhiều giòi trong miếng cá kho mua ở cửa hàng Clever Food

Cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm

Liên quan đến vụ khách hàng phát hiện nhiều giòi trong miếng cá kho mua tại Clever Food - chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, trao đổi với PV Báo Giao thông, LS. Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật Chính Pháp Hà Nội) cho biết: "Sự việc này cho thấy thực phẩm này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi vậy cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xác định hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật".

Ngày 2/4, anh N.V.T., Hà Nội đăng tải lên trang Facebook cá nhân đoạn clip ghi lại cảnh giòi bò lúc nhúc trong khúc cá kho. Được biết, khúc cá kho thuộc đơn hàng gồm 8 món, được anh T. đặt mua tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood trên phố Ngụy Như Kon Tum. Đội QLTT số 12 đã cử lực lượng xuống làm việc trực tiếp với đơn vị này, lập biên bản, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, khâu tiêu thụ sản phẩm.

Tối 3/4, trên trang Fanpage, CleverFood - chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội phát thông báo tạm dừng bán hàng toàn hệ thống từ ngày 4/4 đến hết ngày 6/4 kiểm tra, rà soát lại chất lượng toàn bộ sản phẩm, hàng hoá và các quy trình liên quan nhằm bảo đảm không có trường hợp tương tự xảy ra và vì lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời đào tạo lại nhân sự "để không có những sản phẩm kém chất lượng đến tay khách hàng".

Theo LS. Cường, sự việc cho thấy chuỗi nhà hàng kinh doanh thực phẩm này đã phản ứng kịp thời và thể hiện thái độ cầu thị, xác minh làm rõ và cam kết chịu trách nhiệm về hậu quả của sự việc.

Tuy vậy, cơ quan quản lý thị trường và liên ngành y tế sẽ kiểm tra xác minh thông tin và làm rõ điều kiện kinh doanh của cơ sở này, làm rõ quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán thực phẩm của công ty này trong thời gian qua để làm rõ điều khiển đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Trong trường hợp cơ sở này đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ bị tiêu hủy những thực phẩm không đảm bảo an toàn và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt nhà cung cấp thực phẩm không an toàn ra sao?

Còn đối với người đã mua khúc cá nêu trên thì có quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh này trả lại số tiền đã mua thực phẩm và bồi thường thiệt hại xảy ra nếu có. Mối quan hệ giữa khách hàng và đơn vị kinh doanh là quan hệ dân sự, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, ở đây là vấn đề đòi lại tiền mua hàng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật

LS. Cường cho rằng, với hoạt động kinh doanh của cơ sở này sẽ được kiểm tra lại từ điều kiện kinh doanh đến quy trình kinh doanh, đặc biệt là điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Làm rõ nguyên nhân tại đâu mà thực phẩm lại không đảm bảo an toàn như vậy.

Miếng cá kho mà có giòi nhiều như thế thì chứng tỏ miếng cá này đã chế biến từ rất lâu và không được bảo quản theo quy định, khi có giòi xuất hiện thì chứng tỏ miếng cá đang trong tình trạng phân hủy, có thể bốc mùi và không thể sử dụng làm thức ăn. Người nào ăn phải những miếng cá như thế này thì có thể sẽ bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ miếng cá này có phải là của đơn vị này cung cấp ra hay không. Nếu miếng cá đúng là của cơ sở kinh doanh này thì thực phẩm như vậy là không đảm bảo vệ sinh an toàn theo quy định. Bởi vậy hành vi này là vi phạm pháp luật, sẽ bị áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thanh tra kiểm tra thì cơ quan chức năng sẽ xác định những lỗi vi phạm nếu có của cơ sở kinh doanh này và sẽ áp dụng quy định theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để xử lý vi phạm.

Ngoài ra có những hành vi vi phạm kinh doanh khác thì tùy vào hành vi cụ thể cũng sẽ có những mức chế tài tương ứng. Việc xử lý vi phạm hành chính sẽ theo luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

Mức độ cao nhất của xử phạt hành chính sẽ là thu giấy phép, đình chỉ kinh doanh và phạt tiền với mức phạt cao nhất. Nếu vi phạm về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp nhân theo quy định của bộ luật hình sự. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xem xét làm rõ và sẽ có kết luận trong thời gian tới đây.

Uyên Vũ

Đọc tiếp cùng chuyên mục

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sống lành mạnh - 08/10/2024

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Sống lành mạnh - 01/10/2024

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới