WHO khuyến cáo ngừng khám nha khoa
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên người dân nên tạm hoãn các lịch khám nha khoa đến khi "có sự giảm đáng kể về tỷ lệ lây lan Covid-19 từ lây nhiễm cộng đồng tới các cụm dịch", hoặc tới khi quan chức y tế địa phương cho phép các phòng khám nha khoa tiếp tục hoạt động. Mọi người nên hủy lịch làm sạch răng định kỳ ngay cả khi đã quá hạn khám vài tháng.
Nếu có thể, bệnh nhân và nha sĩ nên áp dụng chẩn đoán và điều trị từ xa.
Tuy nhiên, các can thiệp khẩn cấp bảo vệ chức năng răng miệng, xử lý cơn đau nghiêm trọng, đảm bảo vấn đề răng miệng không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, vẫn được tiến hành.
Các trường hợp khẩn cấp gồm các biện pháp can thiệp điều trị nhiễm trùng miệng cấp tính, sưng tấy, chấn thương miệng, chảy máu nhiều hoặc kéo dài, đau miệng nghiêm trọng không thể điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn.
Theo WHO, nha sĩ và bệnh nhân thường tiếp xúc gần nhau, quá trình khám và điều trị cũng đưa các hạt cực nhỏ vào không khí, dẫn đến nguy cơ cao lây lan nCoV.
"Do tính chất công việc, nha sĩ và nhân viên nha khoa thường tiếp xúc cự ly gần với mặt bệnh nhân trong thời gian dài. Quá trình khám, điều trị thường xuyên phải giao tiếp trực tiếp và liên tục tiếp xúc với nước bọt, máu, và các dịch cơ thể khác, sau đó xử lý các dụng cụ sắc nhọn", WHO giải thích.
Trong môi trường chăm sóc sức khỏe răng miệng, Covid-19 được lây truyền theo ba con đường chính: hít phải các giọt bắn khi ho, hắt hơi; qua tiếp xúc với niêm mạc, như niêm mạc mắt, mũi, miệng, hoặc tiếp xúc với các giọt bắn truyền nhiễm; qua đường truyền gián tiếp như các bề mặt bị ô nhiễm.
WHO cũng cho hay quy trình tạo khí dung (AGP), như "phun nước, phun khí nha khoa ba chiều, cạo vôi răng bằng máy siêu âm, đánh bóng răng" cũng gây rủi ro lây lan nCoV bởi những thao tác này tạo các hạt hoặc khí dung có thể "tồn tại lơ lửng trong không khí, di chuyển khoảng cách xa và có thể xâm nhập cơ thể và gây bệnh nếu tiếp xúc gần".
Ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng cao, WHO khuyến cáo "cần tránh hoặc giảm thiểu chăm sóc sức khỏe răng miệng cần xử lý AGP. Thay vào đó, các thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng dụng cụ cầm tay nên được ưu tiên".
Với các cuộc hẹn khám và phẫu thuật trong miệng khẩn cấp, WHO đề nghị các cơ sở sử dụng công nghệ ảo hoặc điện thoại để khám sàng lọc bệnh nhân trước khi hẹn gặp trực tiếp. Ngoài ra, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp y tế cộng đồng, như giữ khoảng cách ít nhất 1,2 m trước khi làm các thủ thuật, khám và điều trị tại khu vực thông thoáng. Bác sĩ, bệnh nhân cần đeo thiết bị bảo hộ cá nhân, vệ sinh tay đúng cách, tuân thủ quy trình làm sạch và khử trùng.
Lê Hằng (Theo CTV News, Business Insider)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Một người đàn ông hoại tử vùng sinh dục, hậu môn vì đắp lá chữa bệnh
Sống lành mạnh - 17/09/2024
Một người đàn ông hoại tử vùng sinh dục, hậu môn vì đắp lá chữa bệnh