15 năm sống trong 'địa ngục' vì nghiện ma túy
Đã quay trở lại cuộc sống bình thường 8 năm nay, Nguyễn Văn Thành* (sinh năm 1977, người Điện Biên) vẫn không khỏi ám ảnh khi nhìn lại quãng thời gian còn đắm mình trong ma túy. Anh gọi đó là “địa ngục”, là chuỗi ngày đen tối nhất trong cuộc đời.
Thành vướng vào ma túy dạng thuốc phiện từ năm 13 tuổi. Ngày ấy, anh đi làm thuê trong một bãi vàng bên bờ sông Đà, thuộc địa bàn Lai Châu. Bãi vàng nằm sâu dưới thung lũng khe sông, tựa ốc đảo nhỏ, tách biệt hẳn với khu dân cư. Trong thung lũng, thuốc phiện đen là thú vui duy nhất của công nhân đào vàng sau ca làm việc căng thẳng.
Nghe bạn bè khoe thuốc phiện có thể giúp tăng sức khỏe, giảm mệt mỏi, giảm đau lưng, anh Thành thử hút một vài hơi, thấy có hiệu nghiệm. Số lần hút cứ thế tăng lên, từ 2-3 ngày mới dùng một lần, sau đó ngày nào cũng phải có thuốc.
Ban đầu, người trồng thuốc phiện tặng miễn phí cho anh em công nhân, nhóm của Thành chỉ phải trao đổi bằng mớ rau hoặc ít dầu đốt. Sau gần 1 năm, người trồng đổi ý, Thành phải tìm cách xoay xở tiền để mua.
Những thời điểm không mua được thuốc hay thuốc về chậm, nam thanh niên lên cơn vật vã khổ sở:
“Thèm thuốc, tôi ngáp liên tục, mồ hôi vã ra, rồi chảy nước mắt nước mũi, hắt xì. Lúc nào cũng thấy như có con giòi bò trong xương khớp, không thể nằm hay ngồi yên. Đắp chăn vào thì nóng, bỏ chăn ra thì lạnh. Cảm giác khó tả lắm, vừa thiếu thốn, vừa bức xúc tới phát điên”, Thành nhớ lại.
Từ lúc nghiện, Thành sút cân liên tục, giảm từ 55 kg xuống chỉ còn hơn 40 kg. Anh ăn ít đi, đúng ra là không còn nhu cầu ăn uống, tâm trí chỉ muốn tìm tới thuốc phiện. “Thậm chí, không ăn cũng không thấy mệt, nhịn liên tục cũng không sao, chỉ cần có thuốc”, Thành nói.
Một bệnh nhân nghiện thuốc phiện điều trị tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên - Ảnh: Nguyễn Liên |
Ảnh hưởng của thuốc phiện cũng khiến tâm trí chàng trai trẻ không còn tỉnh táo. Anh về quê, liên tục lấy cắp đồ trong nhà đem đi bán. Sau này có gia đình riêng, xin tiền nhưng vợ không cho, anh lao vào bóp cổ, hành hung vợ để cướp tiền rồi đi mua thuốc.
Sau này, Thành dùng thêm ma túy trắng, cả đường hít và tiêm.
Anh tâm sự, ma túy gây tổn hại cho sức khỏe, nhưng nỗi đau lớn hơn nó mang lại là những mất mát về tinh thần. Nghiện ngập, anh bị bố mẹ từ mặt, họ hàng lánh xa.
Dù đã có thời điểm cai nghiện được gần 1 năm, anh Thành vẫn nghe tới tiếng rỉ tai khắp làng xóm: “Nó là thằng nghiện, không được cho nó vào nhà”. Gia đình có cỗ bàn, mọi người thấy nhưng coi anh như người vô hình. Có những người họ hàng thậm chí chửi bới ngay trước mặt: “Sao lại cho thằng nghiện tới?” “Mày thì làm được cái gì nên hồn. Cái thằng nghiện”.
Tủi thân, ức chế, có mấy lần, anh Thành quay lại con đường sa đọa với ma túy để quên đau khổ. Anh từng vào trại giáo dưỡng 2 lần trong 4 năm, nhưng sau đó lại nhiều lần tái nghiện.
Cuộc đời anh chỉ thực sự đổi khác khi tham gia điều trị tại cơ sở y tế từ năm 2013. Động lực lớn nhất của anh khi ấy là vợ và hai con nhỏ.
Người vợ từng đứng trước mặt anh Thành, khóc nức nở: “Anh nhìn con đi. Hãy nhìn con rồi suy nghĩ đi”. Anh nhìn con ngồi lê lết trên sàn đất, trong ngôi nhà tạm làm bằng tre vẫn chưa thể xây mới. Gia đình 4 người khi ấy chỉ có 10.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, không mua được gì khác ngoài đậu phụ.
“Anh ơi. Em cũng muốn ăn cam. Nhìn họ ăn ngoài chợ, em thèm đến chảy nước miếng”, người vợ khóc, nói thêm. Nhìn vợ con, Thành cũng chảy nước mắt.
Người phụ nữ ấy đến với Thành khi anh vừa từ trại cai nghiện trở về, mặc sự ngăn cấm của gia đình. Tay trắng lập nghiệp, số tiền hai vợ chồng vay được chỉ đủ mua chiếc giường đặt trong ngôi nhà dựng tạm.
Vợ ngày ngày đi làm ruộng, kiếm tiền trang trải kinh tế. Nhưng Thành lại tái nghiện. Suốt thời gian dài, tất cả tiền người vợ kiếm được, anh đều cướp hết để mua ma túy. Làng xóm đồn Thành bị AIDS, gia đình anh vì thế đều bị kỳ thị, không ai muốn giao tiếp.
Thương vợ con, Thành quyết tâm thay đổi. Anh tự cai nghiện ở nhà, ban đầu uống thuốc ngủ 1-2 ngày. Những ngày sau đó, anh “đánh vật” cùng cơn thèm thuốc. Người vợ túc trực 24/24, xoa bóp, đấm lưng giúp anh thoải mái hơn.
Các triệu chứng nhẹ dần, mỗi ngày, anh Thành đều lên công an xã, trạm y tế để hỏi về các chương trình cai nghiện và bắt đầu tham gia uống thuốc Methadone - thuốc điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện.
Mỗi ngày, anh di chuyển 30 km cho hai quãng đường đi và về để tới Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên uống thuốc. Ròng rã suốt gần 10 năm, anh hầu như không bỏ điều trị ngày nào.
Thành cai nghiện hẳn từ ấy, bắt đầu tìm lại được công việc, cuộc sống hạnh phúc. Anh có tiền xây nhà cửa, mua xe, cho con đi học như bạn bè đồng trang lứa. Gia đình anh được làng xóm đón nhận, chỉ còn rất ít sự kỳ thị.
“Nhìn lại mọi thứ, tôi thấy mình thật may mắn. May mắn vì 15 năm nghiện ngập, tôi không bị AIDS, không lây sang gia đình. Và may mắn nhất vì có vợ, có con vẫn luôn ở bên những lúc tôi tồi tệ nhất”, Thành nói.
Thành ban đầu không muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân lên báo chí. Anh ngại khơi dậy nỗi đau, sự xấu hổ và cắt rứt suốt nhiều năm cố chôn giấu. Thế nhưng, người đàn ông đổi ý bởi muốn lên tiếng cảnh báo mọi người về con đường “địa ngục” mang tên ma túy. Hơn hết, anh mong gửi đi chút động lực, cho những người đang trong hoàn cảnh anh đã từng có thể thấy chút ánh sáng…
(*) Họ và tên nhân vật đã được thay đổi
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Thời sự xã hội - 18/10/2024
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa
Thời sự xã hội - 17/10/2024
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa