Bắc Kạn khắc phục tình trạng xuống cấp của y tế cơ sở
Để khắc phục khó khăn, Bắc Kạn đã tập trung ưu tiên nguồn lực cải thiện từng bước thiếu thốn này, từ đó, nâng dần cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Xuống cấp và thiếu thốn
Bắc Kạn hiện có 8 trung tâm y tế tuyến huyện và 108 trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất nhiều trạm y tế đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp trầm trọng, thiếu nhiều phòng chức năng, có trạm phải dựng nhà bằng gỗ để phục vụ khám, chữa bệnh.
Trạm Y tế xã Bằng Lãng (huyện Chợ Đồn) có hai khối nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1994 và 1999, sau gần 30 năm sử dụng, giờ nền nhà bong rộp, tường bong tróc, thấm, ố, mốc; toàn bộ cửa bị cong vênh, mối mọt; trần nhà thấm dột; hệ thống cấp, thoát nước bị tắc.
Theo đánh giá, hiện trạng cơ sở vật chất hiện tại của trạm không đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 32/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế về ban hành Hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế xã, phường, thị trấn. Chưa kể, trạm cũng chưa có bể xử lý nước thải, nhà thu gom chất thải rắn...
Ngay tại thành phố Bắc Kạn hiện cũng có những trạm y tế phường xuống cấp trầm trọng. Tại Trạm Y tế phường Phùng Chí Kiên, hầu hết phần mái bị thấm dột; tường bục vữa trát, rêu mốc; nền bong, rộp; hệ thống thiết bị điện bị hỏng, chập gây mất an toàn; chưa có hệ thống xử lý chất thải... Phó Trưởng trạm Nguyễn Thị An cho biết: Cơ sở vật chất của trạm đã được xây dựng cách đây khoảng 20 năm.
Ngoài hư hỏng nhà thì sân thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn; hệ thống nhà vệ sinh hư hại, không sử dụng được, ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh và bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trạm cũng không có đầy đủ các trang thiết bị, đáng giá nhất chỉ là chiếc tủ bảo ôn phục vụ bảo quản vắc-xin.
Các trung tâm y tế tuyến huyện cũng tồn tại nhiều bất cập, khó khăn về cơ sở vật chất. Theo Sở Y tế Bắc Kạn, phần lớn các trung tâm này xây dựng từ trước năm 2010. Đến nay, nhiều hạng mục công trình chưa được sửa chữa, bảo trì dẫn đến xuống cấp nặng, không bảo đảm phục vụ nhiệm vụ. Sau khi sáp nhập các trung tâm dân số, kế hoạch hóa gia đình, đội y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe sinh sản thì các trung tâm y tế huyện thiếu phòng làm việc.
Trung tâm Y tế huyện Ba Bể được đưa vào sử dụng từ năm 2010, nhưng vì thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa đồng bộ cho nên tại khối nhà A (khu điều trị 3 tầng), phần mái bị thấm dột; chân tường bong, bục, tường mốc; khu điều trị nội trú không bảo đảm quy mô diện tích và dây chuyền khám, chữa bệnh... Các khối nhà còn lại, như: Khu hành chính, khu giặt là, khu đại thể... cũng xuống cấp.
Theo đánh giá hiện trạng của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn thì hệ thống xử lý chất thải lỏng của trung tâm đã hư hỏng, không hoạt động được; hệ thống xử lý chất thải rắn không bảo đảm môi trường. Đáng chú ý, tình trạng hư hỏng không chỉ xảy ra ở Trung tâm Y tế huyện Ba Bể, mà còn diễn ra ở các trung tâm y tế huyện, thành phố còn lại.
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, các cơ sở y tế của Bắc Kạn còn thiếu nhiều trang, thiết bị khám, chữa bệnh. Các đơn vị tuyến huyện đang thiếu nhiều danh mục trang thiết bị cơ bản theo quy định để triển khai các dịch vụ kỹ thuật tại tuyến huyện theo phân tuyến của Bộ Y tế.
Tất cả trung tâm đều thiếu hệ thống máy xét nghiệm, máy siêu âm, hệ thống chụp X-quang kỹ thuật số, máy nội soi, hệ thống khí trung tâm… Một số đơn vị chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế hoặc đã được đầu tư nhưng bị xuống cấp, thường xuyên phải sửa chữa. Điều này dẫn tới các trung tâm chỉ triển khai được 55-70% số danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế.
Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn Tạc Văn Nam cho biết:
Trong giai đoạn trước, việc đầu tư trang thiết bị y tế đối với tuyến huyện chỉ mới quan tâm đến hoạt động thu dung điều trị bệnh nhân đơn thuần, chưa tính đến tình huống thu dung và mở rộng quy mô điều trị để đáp ứng khi có dịch bệnh diễn biến phức tạp xảy ra.
Các trang thiết bị đã được đầu tư từ các chương trình, dự án sau nhiều năm đưa vào khai thác, sử dụng đã hết khấu hao, không thể sử dụng hoặc chuẩn bị hết khấu hao, thường xuyên hỏng phải sửa chữa. Có những thiết bị chưa hết khấu hao, nhưng hỏng không thể sửa chữa, khắc phục được; nhiều danh mục trang thiết bị không còn phù hợp và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp.
Từng bước khắc phục
Căn cứ theo khả năng, nguồn lực đầu tư, Bắc Kạn đang từng bước cải tạo, nâng cấp y tế cơ sở theo hướng ưu tiên những nơi cấp bách, xuống cấp nặng, đồng thời bổ sung thiết bị y tế cho tuyến huyện. Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế Bắc Kạn) Vũ Đình Viết cho biết, qua rà soát, hiện tại toàn tỉnh còn khoảng 39 trạm y tế xã, phường, thị trấn cần được cải tạo, sửa chữa.
Trước mắt, từ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội, trong năm 2022, tỉnh quyết định đầu tư hơn 18 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã Bằng Lãng (huyện Chợ Đồn), Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn), Văn Minh (huyện Na Rì) và Yến Dương (huyện Ba Bể). Đối với tuyến huyện, tỉnh đầu tư hơn 82 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo các trung tâm y tế ba huyện Chợ Đồn, Ba Bể và Na Rì.
Trong tháng 8/2022, tỉnh Bắc Kạn quyết định đầu tư hơn 53 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế cho tám trung tâm y tế huyện, thành phố. Tổng cộng sẽ có 103 danh mục trang thiết bị y tế được mua sắm, lắp đặt trong hai năm 2022 và 2023 cho các trung tâm y tế, như:
Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế, hệ thống máy X-quang kỹ thuật số, tủ an toàn sinh học cấp 2, tủ sấy dụng cụ y tế... Số trang thiết bị này sẽ giúp các trung tâm chủ động triển khai tốt một số dịch vụ kỹ thuật hiện đại theo phân tuyến điều trị, từ đó tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người dân; đồng thời triển khai các kỹ thuật: Siêu âm chẩn đoán, nội soi chẩn đoán, phẫu thuật, chụp X-quang, xét nghiệm... giúp chẩn đoán sớm một số bệnh, từ đó có phương án điều trị kịp thời, cũng như giảm gánh nặng về chi phí, thời gian cho người bệnh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn Tạc Văn Nam cho biết:
Có trang thiết bị y tế mới, các trung tâm y tế huyện, thành phố sẽ triển khai được các kỹ thuật mới, hiện đại, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng tại bệnh viện tuyến trên. Từ đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh có điều kiện, nhân lực và thời gian để ưu tiên đào tạo cán bộ chuyên sâu, tập trung triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu tương xứng với phân tuyến kỹ thuật của bệnh viện hạng II và tiến tới bệnh viện hạng I, đáp ứng là một đơn vị điều trị tuyến cuối của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cũng đã phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất ngành y tế tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh xác định đầu tư hơn 870 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung trang thiết bị.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh