Cần tăng cường phát hiện chủ động bệnh lao
Dịch tễ lao vẫn cao
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành phòng, chống lao cho biết, tác động nặng nề của dịch Covid-19 lần thứ 4 với quy mô rộng và tác động mạnh nhất từ trước tới nay, mang tính chất thảm họa.
Bệnh nhân không tiếp cận các cơ sở y tế do sợ lây nhiễm, phải làm xét nghiệm Covid-19 trước khi khám tại một số cơ sở. Giãn cách xã hội cũng làm giảm khả năng đi lại và tiếp cận, dẫn đến hoạt động điều trị cho lô bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2021 đã bị ảnh hưởng rất rõ rệt.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 76,4%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình Chống lao quốc gia (90%). Tỷ lệ hoàn thành điều trị ở đa số các tỉnh đều rất cao. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao rất đáng khen như Bắc Cạn (100%), Khánh Hoà (94%) và Hậu Giang (99%).
Việc chuyển đổi cơ chế mua sắm thuốc chống lao từ ngân sách Nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai tuy nhiên nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc do đây là lần đầu tiên thực hiện thanh toán thuốc chống lao từ quỹ BHYT.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine gây đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung và dược phẩm nói riêng trên toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhập khẩu, phân phối thuốc, vật tư thiết bị của các nhà thầu cung cấp.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình phát hiện và thu nhận bệnh nhân lao kháng thuốc thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều (năm 2021 đạt 53% chỉ tiêu đề ra) đã dẫn tới nguy cơ quá hạn một số thuốc hàng 2. Chỉ tiêu phát hiện bệnh nhân lao nhi không đạt yêu cầu dẫn tới nguy cơ thừa thuốc lao nhi từ nguồn quỹ toàn cầu.
Công tác phối kết hợp trong hoạt động y tế công tư (PPM) vẫn còn hạn chế. Mặc dù hầu hết các tỉnh đã tham gia triển khai, tài liệu hướng dẫn về triển khai PPM đã được ban hành nhưng nhiều tỉnh vẫn còn lúng túng trong việc triển khai do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế.
Sự gắn kết giữa các cơ sở y tế công-tư còn chưa thật sự khăng khít do nhiều yếu tố như sự phản hồi 2 chiều chưa được thường xuyên, kinh phí hỗ trợ cho y tế tư không có trong khi các cơ sở y tế tư rất ngại ghi chép báo cáo mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Kinh phí cho hoạt động thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp (PAL) còn hạn chế trong khi nhân lực và năng lực của cán bộ y tế tuyến tỉnh còn thiếu đã cản trở một số tỉnh triển khai các hoạt động bệnh phổi mạn tính.
Theo ông Nhung, trong 3 tháng đầu năm 2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng tại một số tỉnh, tới cuối tháng 3 vẫn còn tới 11 bệnh viện chuyên khoa lao tỉnh thực hiện 100% công suất giường bệnh chăm sóc, điều trị Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới công tác sàng lọc, phát hiện và thu nhận điều trị lao tiềm ẩn.
Một số vấn đề khác như thiếu nhân lực y tế, tự chủ tài chính, thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, huyện có ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chống lao…
Cần tăng cường phát hiện chủ động
Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc lao mới được phát hiện giảm 23%, tương ứng với khoảng 23.000 người mắc lao trong cộng đồng nhưng không được phát hiện.
“Điều này dẫn đến một thực tế là nguồn bệnh vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng, có nhiều bệnh nhân không tiếp cận được với y tế, có người bệnh trở nặng, thậm chí là tử vong”, PGS,TS Nguyễn Viết Nhung nhận định.
Với mục tiêu bù đắp lại số ca không được phát hiện của năm ngoái, trong năm 2022, toàn bộ chương trình chống lao tập trung vào tăng cường phát hiện các ca bệnh lao mới với kỳ vọng sẽ phát hiện được 100.000 ca mắc lao trong năm nay.
Để tăng cường phát hiện lao chủ động, theo ông Nhung, người dân nếu có triệu chứng như ho, sốt, bị các bệnh hô hấp nghi lao, có thể đến cơ sở y tế ngay tại địa phương để được phát hiện sớm, điều trị đúng và đủ. Hiện nay, tất cả cơ sở từ tuyến quận huyện trở lên đều có phòng khám lao. Tại đây bệnh nhân lao có thể nhận được tư vấn, phát hiện và điều trị giống như ở các bệnh viện ở trung ương. Hoặc có thể đến các tổ chống lao, phòng khám lao, phòng khám bệnh phổi, kể cả cơ sở y tế tư nhân… để nhận được tư vấn, phát hiện sớm lao.
Khi người dân đến khám bệnh, nếu có triệu chứng hô hấp, nhân viên y tế cần chủ động phát hiện bệnh lao bằng chụp X-quang, làm X-pert để khẳng định.
Các cơ sở y tế cũng cần khắc phục sự thiếu hụt nhân lực, thu nhập của nhân viên y tế để tăng cường phát hiện chủ động. Các đơn vị phòng chống lao có thể đưa xe X-quang tới tận các cộng đồng, những nhóm nguy cơ cao để khám phát hiện ca mắc.
Với trăn trở làm thế nào để bất cứ người mắc bệnh lao nào cũng được khám bệnh, phát hiện và điều trị trong khi chỉ có 70% người bệnh lao có thẻ BHYT, Chương trình Chống lao quốc gia vẫn tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao để không để người bệnh lao nào bị bỏ lại phía sau.
Kết quả là 6 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống lao đã phát hiện được số bệnh nhân mắc lao là 48.056 ca bệnh, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021,cho thấy tiềm năng đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là vô cùng khả thi.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh