Dồn sức tập trung kiểm soát dịch

Sau sáu tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, diễn biến dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn rất phức tạp khi số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu giảm trong khi số người tử vong vẫn tăng cao. Trước tình hình này, bên cạnh việc tập trung điều trị nhằm kéo giảm các ca nhiễm Covid-19 nặng, tử vong, chú trọng chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 cách ly tại nhà, việc tiếp tục giãn cách xã hội ở mức cao hơn nữa nhằm ngăn chặn nguồn lây nhiễm là yếu tố quyết định để thành phố có thể nhanh chóng kiểm soát dịch trong thời gian tới.
Các y, bác sĩ trong Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh đến khám, phát thuốc cho các F0 cách ly tại nhà ở phường 7, quận Phú Nhuận. Ảnh: DUYÊN PHAN
Các y, bác sĩ trong Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh đến khám, phát thuốc cho các F0 cách ly tại nhà ở phường 7, quận Phú Nhuận. Ảnh: DUYÊN PHAN

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt chống dịch Covid-19, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca nhiễm trung bình theo ngày trên địa bàn thành phố cao nhất vào tuần lễ từ 23/7 đến 29/7 (4.916 trường hợp) và giảm dần từ 13/8 đến 20/8. 

Phân tích số ca mắc trong tuần từ 13/8 đến 20/8 cho thấy, số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt, có hiện tượng tăng nhẹ vào ba ngày 14/8, 15/8, 19/8 (dao động từ 4.200 - 4.500) sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 20/8 (3.375 trường hợp). Đáng chú ý, số lượng F0 phát hiện trong cộng đồng vẫn còn rất lớn. 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 2715 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp với phương châm: Mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch.

Cần Những giải pháp cấp bách

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía nam với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng cho biết, từ 0 giờ ngày 23/8, người dân thành phố thực hiện quy định về giãn cách xã hội theo yêu cầu cao hơn. Thành phố sẽ không phát phiếu đi chợ, giao Sở Công thương phối hợp 24 quận, huyện, TP Thủ Đức và triển khai xuống phường, xã để khảo sát nhu cầu của người dân, từ đó siết chặt hơn, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức “cung ứng” theo hai hình thức: người dân trả tiền và được hỗ trợ miễn phí.

Liên quan vấn đề này, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ cho biết, lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác, phối hợp các hội: Cựu chiến binh, Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… các cấp để vừa làm công tác tuyên truyền, vừa giám sát cách ly; chuyển gói an sinh, lương thực, thực phẩm đến tận từng nhà dân. Ngoài ra, lực lượng quân y cũng sẽ cùng với các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trường hợp y tế khẩn cấp khác để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để chống dịch (xét nghiệm, bóc tách F0, quản lý điều trị F0 tại nhà, tổ chức tiêm vắc-xin…) hiệu quả. Cùng với chống dịch, các lực lượng phải lưu ý nhiệm vụ an dân, thông qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm, thuốc men đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt hỗ trợ đầy đủ, “không bỏ sót bất cứ ai”, nhất là người khó khăn, không có điều kiện.

Ngày 20/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch bệnh và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch giai đoạn tới gồm năm nhóm giải pháp. 

Theo đó, trước hết, người dân thành phố bảo đảm việc thực hiện quy định giãn cách xã hội, “ai ở đâu, ở yên đó”, nhà cách ly với nhà; tổ dân phố cách ly tổ dân phố; khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn. 

Hai là, tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ tử vong. 

Ba là, tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực vùng đỏ trên bản đồ Covid-19 thành phố. 

Bốn là, tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho người dân, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn thành phố.  

Năm là, đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K + vắc-xin + thuốc uống; không thu gom hàng hóa thực phẩm, thành phố thực hiện các phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Mục tiêu đặt ra đến ngày 15/9, thành phố phải kiểm soát, ngăn ngừa được tình hình dịch bệnh. 

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, năm giải pháp trên là một bước nâng cao có sự tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để trong thời gian thực hiện văn bản của trung ương, chỉ thị, kế hoạch liên quan đến công tác phòng chống dịch đạt được yêu cầu cao nhất trong bối cảnh thành phố thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. 

Đồng hành với F0 tại nhà

Ngày 18/8 vừa qua, quận Phú Nhuận đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh”. Với phương châm “chăm sóc sức khỏe, siết chặt nghĩa tình”, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Phú Nhuận phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ thành phố đã trao 225 túi thuốc tặng các F0 đang điều trị tại nhà. Trong mỗi túi gồm có thuốc tây y, thuốc đông y, nhiệt kế, máy đo nồng độ oxy trong máu, sổ tay “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh”. 

Đội hình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” gồm 52 hội viên Hội Thầy thuốc trẻ thành phố chia thành 13 nhóm phối hợp lực lượng phản ứng nhanh của quận và phường để tư vấn, khám, chữa bệnh cho các F0 trên địa bàn. Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ của hội sẽ hướng dẫn người mắc Covid-19 tự chăm sóc và điều trị triệu chứng tại nhà. Khi cần, lực lượng y tá, bác sĩ tình nguyện sẽ đến hỗ trợ trực tiếp cũng như tiếp tục rà soát để phát hiện sớm những trường hợp mới nhiễm bệnh.

Hiện, phường 9, quận Phú Nhuận có 25 F0 cách ly và điều trị tại nhà. Mỗi ngày, UBND phường đều phân công người hỏi thăm từng bệnh nhân trên địa bàn. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng thì người theo dõi sẽ thông báo với lực lượng y tế phường để xuống thăm khám và chuyển đến bệnh viện điều trị. 

Tình nguyện viên vận chuyển túi thuốc đến các F0 điều trị tại nhà ở phường 1 (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: YẾN THƯ
Tình nguyện viên vận chuyển túi thuốc đến các F0 điều trị tại nhà ở phường 1 (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: YẾN THƯ

Bác sĩ Lâm Bích Cơ, Trưởng trạm Y tế phường 9, quận Phú Nhuận cho biết, trước đây khi chưa có túi thuốc theo quy định của Bộ Y tế, phường sẽ hỗ trợ thuốc hạ sốt, nước muối súc họng, vitamin C... cho các F0 cách ly tại nhà. Nay toa thuốc chăm sóc cho F0 tại nhà đã cụ thể và đầy đủ hơn, vì thế công tác điều trị F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà cũng thuận lợi và hiệu quả hơn. 

Theo Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng, thực hiện Kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, quận đang tập trung điều trị cho các trường hợp F0, nhất là các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Các đối tượng F0 cách ly tại nhà nếu được chăm sóc tốt sẽ không chuyển nặng, qua đó giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên. 

“Với chương trình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh”, quận mong muốn chia sẻ, đồng hành với F0 để họ chiến thắng bệnh tật. Đây là điểm quan trọng trong công tác chống dịch của địa phương sắp tới. Bên cạnh đó, quận cũng tập trung công tác điều trị F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ tại khu cách ly và bệnh viện dã chiến của quận” - Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cho biết. 

Tại quận 8, UBND quận đã phối hợp Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh thực hiện mô hình theo dõi chăm sóc F0 tại nhà. Hiện, Trường đại học Y dược đã hỗ trợ quận 210 bác sĩ và 330 sinh viên y khoa để theo dõi 3.072 F0, kể cả những trường hợp nghi nhiễm tại tất cả các phường trong quận. 

Bên cạnh tập trung mở rộng vùng xanh, một trong năm nhiệm vụ quan trọng của quận 11 thời gian tới là quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà. Để bảo đảm công tác này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã làm việc với quận để đưa ra mô hình chăm sóc F0 tại nhà. Theo đó, quận 11 vận động 16 bác sĩ, 32 điều dưỡng, đặc biệt là có hơn 100 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tại 16 phường trên địa bàn. 

“Bác sĩ sẽ trực tiếp đến từng nhà F0 để thăm khám, lập hồ sơ ban đầu. Sau đó cách ngày, đội tình nguyện này sẽ đo kiểm tra SPO2, huyết áp, thân nhiệt để báo cáo về cho tổ bác sĩ chăm sóc. Hiện, công tác chăm sóc F0 tại nhà đã triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả. Quận đang tiếp tục phát huy, nhất là vận động thêm bác sĩ tình nguyện. Đến nay, đã có 32 bác sĩ tình nguyện tham gia” - Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long chia sẻ.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc Covid-19. PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 gồm sáu hoạt động. Đó là: Xác định và lập danh sách người F0 cách ly tại nhà trên địa bàn; hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; khám bệnh và theo dõi sức khỏe; hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà; xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà; tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà. 

Theo đó, F0 được cách ly điều trị tại nhà khi hội đủ các điều kiện gồm: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp, SPO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/ phút), dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Người F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân, có máy đo SPO2 thường xuyên liên tục, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Đối với trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà.  

Hiện nay, số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà trên địa bàn thành phố là 40.451 người, trong đó 19.243 F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.208 F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.015 người.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện mô hình trạm y tế lưu động có chức năng quản lý F0, hỗ trợ tư vấn thông tin, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, hỗ trợ công tác cấp cứu khi F0 chuyển nặng. Mỗi trạm sẽ quản lý từ 50 đến 100 trường hợp F0 và có ít nhất 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 3 nhân viên tình nguyện. Trước mắt, thành phố đang chuẩn bị 400 trạm, hướng tới 1.000 trạm y tế lưu động trên địa bàn.

 
MẠNH HẢO

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ lật thuyền ở Lai Châu

Tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ lật thuyền ở Lai Châu

Thời sự xã hội - 23/04/2024

Tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ lật thuyền ở Lai Châu

Tai nạn lao động ở Yên Bái, 7 người tử vong, 3 người bị thương

Tai nạn lao động ở Yên Bái, 7 người tử vong, 3 người bị thương

Thời sự xã hội - 23/04/2024

Tai nạn lao động ở Yên Bái, 7 người tử vong, 3 người bị thương

Sức khỏe các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Yên Bái hiện ra sao?

Sức khỏe các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Yên Bái hiện ra sao?

Thời sự xã hội - 23/04/2024

Sức khỏe các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Yên Bái hiện ra sao?

Các nạn nhân vụ tai nạn lao động ở Yên Bái được hỗ trợ ra sao?

Các nạn nhân vụ tai nạn lao động ở Yên Bái được hỗ trợ ra sao?

Thời sự xã hội - 23/04/2024

Các nạn nhân vụ tai nạn lao động ở Yên Bái được hỗ trợ ra sao?

Đình chỉ giáo viên dùng thước kẻ đánh sưng mắt học sinh

Đình chỉ giáo viên dùng thước kẻ đánh sưng mắt học sinh

Thời sự xã hội - 12/04/2024

Đình chỉ giáo viên dùng thước kẻ đánh sưng mắt học sinh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới