Lấy lại ‘bản lĩnh phái mạnh’ cho người bị cháy cụt cậu nhỏ

Ngày 23/4, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E đã phẫu thuật tạo hình thành công cho một bệnh nhân nam bị cháy cụt dương vật.

Cách đây 5 năm, trong một lần đi bẫy chim bằng dụng cụ khung inox tự chế, người đàn ông 28 tuổi (Hà Nội) sơ ý chạm vào đường điện cao thế. Cơ thể anh bị bỏng nặng và cháy xém nhiều chỗ, trong đó có dương vật.

Thời điểm đó, để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành cắt cụt tay phải, cắt cụt ngón 2, 3, 4 bàn chân phải của người bệnh. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình dương vật bằng vạt da nuôi ghép ở da đùi phải.

Sau mổ, người đàn ông bị rò nước tiểu ở gốc dương vật tạo hình, gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Đáng nói, do tạo hình dương vật quá to và ngắn, bệnh nhân không thể quan hệ tình dục.

Để tìm lại “bản lĩnh đàn ông”, bệnh nhân tìm đến ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E xin tư vấn.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, ThS. Minh đã hội chẩn cùng GS Trần Thiết Sơn - chuyên gia đầu ngành về tạo hình thẩm mỹ và PGS Nguyễn Quang – chuyên gia đầu ngành về tiết niệu nhằm tìm giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của bệnh nhân.

Các bác sĩ quyết định tạo hình lại dương vật cho bệnh nhân, mục tiêu cuối cùng là dương vật phải “sống”. Sau khi định hình dương vật, các bác sĩ tiến hành tạo hình bao quy đầu, lỗ sáo, đường tiết niệu hoàn chỉnh cho bệnh nhân.

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật tạo hình lại dương vật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật tạo hình lại dương vật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Dương vật là cơ quan sinh dục ngoài của nam giới, có hai chức năng chính là sinh sản sinh dục và chức năng tiểu tiện. Dương vật gồm 3 thành phần: Rễ, thân và quy đầu dương vật. Ở trạng thái bình thường, kích thước “cậu nhỏ” trung bình khoảng 11cm, khi cương cứng có thể dài 14,5 cm.

GS Trần Thiết Sơn đánh giá, dương vật của bệnh nhân trên dù đã được tạo hình trước đó nhưng lại quá to và ngắn, không có sinh lý, biến dạng hình thể. Phần niệu đạo không đặt đúng vị trí, gần với gốc dương vật gây khó khăn cho bệnh nhân về chức năng bài tiết và sinh lý.

Do đó, để khắc phục điều này, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình lại thân dương vật giống với kích thước bình thường và thật nhất; tạo lại bao quy đầu và cắt bỏ niệu đạo cũ vừa hẹp, vừa rò. Bệnh nhân được tạo hình lại niệu đạo mới bằng niêm mạc miệng, má.

GS Sơn cho rằng, khó khăn lớn nhất của ca phẫu thuật này là việc tạo hình lại niệu đạo cho bệnh nhân: đặt lại niệu đạo trong thân dương vật đi theo một đường hoàn toàn mới mà phải đảm bảo khả năng bài tiết và hình thể của dương vật.

Thêm nữa, khi tạo hình lại dương vật dựa trên vạt da cũ, cần xử lý làm sao để thân dương vật không hoại tử mà vẫn giữ nguyên được hình dáng mới.

Theo GS Sơn, có nhiều phương pháp tạo hình dương vật. Hầu hết các bác sĩ sẽ lựa chọn tạo hình hình thể của dương vật hoàn chỉnh trước, sau 6 tháng tiếp tục tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, GS Sơn cùng các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E đã lựa chọn tạo hình thân dương vật cùng với tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân cùng lúc. Điều này giúp rút ngắn thời gian và số lần phẫu thuật, khắc phục hoàn toàn niệu đạo bị rò, tắc như trước kia.

Các bác sĩ xác định, đây là ca sửa chữa biến chứng của tạo hình dương vật nên sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách hơn so với một ca tạo hình dương vật mới (do mất hoàn toàn hoặc một phần). Kíp phẫu thuật đã phải thay đổi các bước tạo hình để phù hợp hình thể cũ của dương vật đã tạo hình trước đây, khắc phục những khiếm khuyết cho bệnh nhân.

Cụ thể, bệnh nhân được khắc phục dương vật tạo hình quá to và ngắn trước đây bằng vạt da tại chỗ, kéo dài thân dương vật từ 10 cm thành 12 cm, thu hẹp chu vi từ 12 cm xuống còn 6 cm. Kíp đã xác định chính xác nguồn cấp máu cho các vạt da tại chỗ để không làm hoại tử dương vật khi rạch da và chuyển tới nơi mới.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân trên khá may mắn, dù bị cháy gần như mất toàn bộ dương vật nhưng lại không ảnh hưởng tới bìu, ống dẫn tinh. Vì thế, chỉ cần tạo hình đường niệu đạo thông tốt, túi tinh đổ vào niệu đạo sẽ ổn định, không ảnh hưởng đến quá trình xuất tinh của bệnh nhân.

Khi dương vật ổn định về hình thể, bệnh nhân đi tiểu bình thường, xuất tinh được, sau 12 tháng, các bác sĩ sẽ tính đến phương án đặt thể hang để giúp người bệnh quan hệ được, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Liên

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết

Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết

Thời sự xã hội - 21/01/2025

Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới