Khóa đào tạo hồi sức cấp cứu cơ bản có sự tham gia của gần 500 bác sĩ từ các bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện phối hợp và chính những bác sĩ nội trú từ Hà Nội tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Giảng viên là các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, dày dặn kinh nghiệm.
Hai lớp đào tạo “Xử trí và cấp cứu ban đầu bệnh nhân Covid-19”, “Sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân Covid-19” cũng được trung tâm tổ chức tại Bệnh viện quận 7 (TP Hồ Chí Minh). BSCKII Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện quận 7 chia sẻ: Từ khi có sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, toàn thể các y, bác sĩ của Bệnh viện quận 7 đã tự tin, an tâm hơn rất nhiều, như có một điểm tựa tinh thần. Các bác sĩ Bệnh viện quận 7 đã chủ động vươn lên, từ lúc chưa biết hồi sức tích cực, thở máy là như nào, đến bây giờ đã nhận năm máy thở và cứu được nhiều người bệnh trong giai đoạn đầu tiên.
Chương trình đào tạo trực tuyến một số chuyên đề “Tim mạch và Covid-19: Siêu âm tim mạch ở người bệnh Covid-19” cũng vừa được tổ chức với sự tham gia của gần 100 điểm cầu là các bệnh viện vệ tinh, trung tâm y tế và một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Các học viên được chia sẻ ba nội dung trong siêu âm tim mạch ở người bệnh Covid-19 gồm: “Siêu âm tim ở người bệnh Covid-19: Các bước thực hiện và những biện pháp cần lưu ý”; “Siêu âm tim tại giường đánh giá huyết động ở bệnh nhân Covid-19 nặng và trầm trọng”; “Siêu âm tim mạch nhanh tại giường (POCUS)”.
Đợt dịch Covid-19 thứ tư với những diễn biến phức tạp là thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Đối với những người bệnh Covid-19 có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường... thì nguy cơ tiến triển nặng cũng tăng cao so với những người bệnh Covid-19 không có bệnh nền. Theo khảo sát của Trung tâm Đào tạo - chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Bạch Mai), nhu cầu mà các bệnh viện vệ tinh cần hỗ trợ gồm: chuyển tuyến, hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo. Nội dung đào tạo được đề nghị tập trung vào chống nhiễm khuẩn, chăm sóc và điều trị người bệnh Covid-19 nặng, thở máy... Trung tâm đã tổ chức một chuỗi chủ đề đào tạo với nội dung trên, do các giảng viên giàu kinh nghiệm, đặc biệt là có nhiều thời gian điều trị trực tiếp cho người bệnh Covid-19: PGS, TS Đặng Quốc Tuấn (Trưởng khoa Hồi sức tích cực), TS Trương Anh Thư (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn), ThS Nguyễn Quốc Thái (Trưởng khoa Hồi sức tích cực tổng hợp)…
Hai buổi đào tạo trực tuyến cũng đã được tổ chức ngay với chủ đề “Cập nhật sàng lọc, phân tầng trong điều trị bệnh nhân Covid-19” cho các bác sĩ và “Cập nhật chăm sóc bệnh nhân Covid-19” cho các điều dưỡng đã diễn ra rất thành công. Các giảng viên nhấn mạnh vai trò của việc bảo đảm phòng hộ cho cán bộ y tế; cần đánh giá, phân tầng đúng, xử lý và chuyển sớm các bệnh nhân Covid-19; chăm sóc tích cực bệnh nhân nặng cần chú ý những gì...