Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện có hàng trăm bệnh viện, cơ sở y tế đang thu dung, điều trị người mắc Covid-19. Trong bối cảnh tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp thì vấn đề an toàn trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế cần được quan tâm đúng mức, vừa góp phần phòng, chống dịch, vừa bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn y tế nếu không được phân loại, thu gom, quản lý và xử lý tốt không những là nguồn lây lan bệnh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Việc phát sinh các loại chất thải rắn y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy trình quản lý, loại hình cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa, tỷ lệ các vật tư tái sử dụng được dùng trong hoạt động của bệnh viện và tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc và điều trị tại cơ sở trong ngày.
Rác thải y tế nguy hại tăng cao
TP Cần Thơ hiện có 21 bệnh viện, bệnh viện dã chiến đang điều trị hơn 850 bệnh nhân Covid-19. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, lượng rác thải y tế tại các bệnh viện này khoảng hơn hai tấn/ngày. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ, rác thải y tế phát sinh trong quá trình điều trị cho người mắc Covid-19 được phân loại tại nguồn, cho vào bọc ni-lông mầu vàng buộc miệng, bọc kín bằng băng keo. Trên mỗi túi dán nhãn báo rác thải nguy hại có chứa chất lây nhiễm gây bệnh trước khi cho vào thùng có nắp đậy để chuyển về nơi tập kết, xử lý.
Bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế sử dụng công nghệ khử khuẩn bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao kết hợp với nghiền cắt… công suất xử lý 1,8 tấn trong 24 giờ. Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Rác thải y tế nguy hại được đưa vào hệ thống khử khuẩn bằng hơi nước ở 1.200oC bảo đảm diệt hết các mầm bệnh, sau đó cắt nhỏ thành rác thông thường rồi chuyển cho đơn vị vận chuyển xử lý theo quy định. Hệ thống xử lý rác thải của bệnh viện hiện đang hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại cho 14 bệnh viện tuyến thành phố và một số bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn Cần Thơ.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long có quy mô điều trị khoảng 800 giường cùng với Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị Covid-19 cho nên mỗi ngày lượng rác thải y tế khá nhiều. Bệnh viện được trang bị hệ thống xử lý rác thải lò hấp tiệt khuẩn. Hệ thống gồm hai lò hấp công suất 20 kg mỗi mẻ, nên xử lý được 40 kg trong 40 phút, thực hiện tối đa 800 kg trong 24 giờ. Trước đây hệ thống chỉ đạt một phần tư công suất. Bác sĩ Nguyễn Văn Võ, Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chia sẻ, trước kia mỗi ngày bệnh viện thu gom 1,4 tấn rác các loại, rác cần xử lý khoảng 200 kg. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng rác thải cần xử lý tăng gấp bốn lần. Việc xử lý rác thải được tăng cường giám sát, thực hiện lối vận chuyển riêng biệt.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, Kiên Sóc Kha cho biết: Khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng với hệ thống y tế hiện có, tỉnh Trà Vình đưa vào hoạt động bảy bệnh viện dã chiến cùng với đó lượng rác thải y tế cũng tăng cao. Trước đây, tỉnh có ba hệ thống máy Sterilwave 440-Betin, xử lý bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt, không phát sinh mùi hôi và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát kéo theo khối lượng rác thải y tế tăng cao, ba hệ thống máy này hoạt động quá tải, hai trong số đó phải tạm dừng hoạt động.
Vì vậy ngành y tế phải kích hoạt lại các lò đốt rác thải trước đây và hợp đồng với các doanh nghiệp xử lý triệt để rác có nguy cơ cao chứa vi-rút SARS-CoV-2. Theo bác sĩ Cao Nguyên Mừng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 7 tỉnh, bệnh viện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là công tác xử lý chất thải y tế tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế. Chất thải, rác thải y tế được phân loại cho thùng có nắp đậy, tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng của bệnh viện và được Công ty TNHH một thành viên Môi trường Trà Vinh chở đi tiêu hủy bằng lò đốt.
Hiểm họa khi rác y tế lẫn với rác sinh hoạt
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 22 cơ sở y tế và bệnh viện dã chiến với gần 1.700 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị. Bệnh viện đa khoa Sa Đéc từ khi được chuyển công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19 thì lượng rác thải nguy hại rất lớn, mỗi ngày khoảng 1,6 tấn, tăng hơn 10 lần so với trước đây.
Những ngày đầu lượng bệnh nhân nhập viện đông, do không đủ trang phục phòng hộ nên 34 y, bác sĩ và nhân viên thu gom rác của bệnh viện bị nhiễm Covid-19. Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Tháng đầu điều trị bệnh nhân Covid-19, do chưa có xe chở rác, bệnh viện phải đốt suốt ngày đêm nhưng không xử lý hết. Gần đây, chúng tôi đã hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường và doanh nghiệp chuyên trách xử lý rác cho nên việc thu gom, xử lý đã tạm ổn. Mỗi ngày, hơn chục nhân viên thu gom tập kết rác cho xe của doanh nghiệp đến chở đi, không có tình trạng ùn ứ rác.
Do dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, lượng rác thải liên quan dịch cũng ngày một tăng cao, vượt công suất các hệ thống xử lý rác hiện có nên các cơ sở y tế đã ký hợp đồng với các đơn vị chuyên thu gom, vận chuyển rác thải y tế xử lý theo quy định. Hiện nhiều bệnh viện dã chiến ở TP Cần Thơ ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp để hằng ngày vận chuyển về Bình Dương xử lý. Tuy nhiên, hoạt động thu gom, xử lý rác thải y tế nguy hại còn một số khó khăn, bất cập.
Rác thải tại các khu phong tỏa ngoài cộng đồng do có ca F0 chưa được phân loại thu gom và xử lý riêng mà lẫn với rác thải sinh hoạt. Tình trạng này cũng đã xảy ra tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long, Ngô Thành Thía bày tỏ lo ngại trước tình trạng giữa rác thải y tế trộn lẫn rác thải sinh hoạt. Đáng chú ý, khi thu gom rác ở các khu phong tỏa, người dân không ý thức đã để lẫn cả rác thải y tế như khẩu trang, găng tay, thậm chí đôi khi có cả đồ bảo hộ… tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch cho công nhân thu gom rác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, rác thải phải được tập trung đúng nơi quy định, phân công đơn vị thu gom vận chuyển bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường. Tại các khu cách ly và bệnh viện dã chiến cần có hướng dẫn cụ thể trong việc thu gom rác thải y tế. Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện để bảo đảm an toàn vệ sinh trong các khu cách ly, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 để tránh lây nhiễm...
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, Huỳnh Văn Nguyên, hiện công tác thu gom, xử lý rác thải có nguy cơ chứa vi-rút SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh được các đơn vị thực hiện đáp ứng yêu cầu, nhưng có những khó khăn nhất định.
Hướng dẫn xử lý rác thải có nguy cơ chứa vi-rút SARS-CoV-2 còn nhiều nội dung chưa được cụ thể, chưa phân rõ trách nhiệm của bộ phận liên quan. Nhiều đơn vị lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện như điểm cách ly chưa được trang bị thùng chứa, túi đựng, không bố trí nơi lưu chứa rác, không phân định được loại rác nào phải xử lý như rác y tế nguy hại lây nhiễm, loại nào là rác thải thông thường, nhiều nơi còn vứt rác thải ra nền đất... Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp Sở Y tế, chính quyền các địa phương giải quyết rốt ráo những vấn đề phát sinh trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải y tế.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Trần Việt Trường cho biết: Cần Thơ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết vướng mắc trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế Covid-19 đối với những đơn vị ký kết hợp đồng với các bệnh viện theo lộ trình và lịch trình cụ thể, để tránh việc ùn ứ trong điều kiện giãn cách.
Tại các điểm xét nghiệm sàng lọc Covid-19, chính quyền các cấp sẽ tổ chức thu gom triệt để rác thải, vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau những đợt lấy mẫu; hỗ trợ túi chứa rác và hướng dẫn người dân phân loại tại nguồn ở các khu phong tỏa, nơi có nguy cơ mắc bệnh cộng đồng để thu gom xử lý theo quy định…