Xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bồi bổ sức khỏe… của người tiêu dùng càng tăng cao. Đây là một trong những cơ hội để thực phẩm chức năng (TPCN) dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm an toàn, có chất lượng, vẫn còn nhiều loại TPCN kém chất lượng, nhưng lại được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội… nhằm trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được chào bán trên mạng xã hội.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được chào bán trên mạng xã hội.

 

Không ngần ngại bỏ ra gần 5 triệu đồng mua 10 hộp TPCN để người cha đang bị tai biến uống nhằm hồi phục cơ thể, chị Trần Vân, ở phố Khương Trung quận Thanh Xuân (Hà Nội), đã không giấu nỗi bức xúc: “Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi đã quyết định mua.

Trên tờ rơi quảng cáo và người bán hàng đều nói, đây là loại TPCN rất hiệu quả cho người già bị tai biến mạch máu não, chỉ cần sử dụng đều đặn trong khoảng nửa tháng là tình trạng sức khỏe của người bệnh có tiến triển rất tốt, bệnh tật giảm dần. Tuy nhiên, thực tế lại không như những gì mà người ta đã quảng cáo. Sau gần một tháng, bố tôi uống hết 7-8 hộp TPCN mà bệnh tình chẳng thay đổi, ông cụ vẫn liệt nửa người và phải nằm một chỗ…”.

Hay mới đây, sau đợt nghỉ do dịch Covid-19, chị Ngọc Huyền, ở phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận thấy cơ thể bị tăng cân nhiều, hay mệt, thở dốc khi làm việc gắng sức… Xem quảng cáo trên một trang mạng xã hội về loại thực phẩm chức năng giảm cân nhanh chỉ trong vòng một tháng, trị giá 1,7 triệu đồng, chị Huyền quyết định trải nghiệm. Kết quả, cân nặng không thấy giảm, mà còn khiến chị phải nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim.

Thực tế, trường hợp của chị Vân và chị Huyền chỉ là một trong số những nạn nhân bị đánh lừa bởi những thông tin quảng cáo sai sự thật của nhiều loại TPCN. Bởi chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google và gõ cụm từ “mua bán TPCN”, trong vòng chưa đầy 0,5 giây có thể tìm thấy hàng chục triệu kết quả từ rất nhiều các trang web, diễn đàn khác nhau, quảng cáo các loại sản phẩm  như: viên nang, nước uống, bột, súp, siro, trà… dành cho đủ mọi đối tượng, độ tuổi và đủ loại tác dụng khác nhau. Mặc dù chỉ là TPCN, nhưng các sản phẩm này được không ít nhà sản xuất, phân phối đua nhau quảng cáo trên mạng, trên báo chí, truyền hình và thổi phồng tác dụng lên quá mức, như là một loại “thần dược” có khả năng khắc chế đối với các bệnh nan y.

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên. Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng TPCN do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Và điều đáng lo ngại, do rất nhiều TPCN đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như thần dược khiến cho nhiều người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), chỉ tính riêng trong chín tháng đầu năm 2020, đã xử phạt 45 công ty sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm, với số tiền phạt lên tới hơn 2,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: quảng cáo công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố; quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo… Những sai phạm này tồn tại chủ yếu trên không gian mạng. Cụ thể, thông tin quảng cáo một số loại trà Xuyên Tâm Liên với nhiều mẫu mã, bao bì khác nhau nhưng ghi ngoài vỏ hộp các công dụng: kháng vi-rút, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid…

Cục ATTP khẳng định, thông tin như vậy là không chính xác, vi phạm pháp luật về quảng cáo. Trong quá trình các cơ quan chức năng xác minh, xử lý, Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật ở các trang nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình quảng cáo và tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiện nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo nhiều nội dung sai sự thật.

Chưa kể, có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học đóng giả bác sĩ, dược sĩ thực hiện tư vấn.  

Để kiểm soát, dẹp “loạn” quảng cáo TPCN, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN... Trên trang web Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng thường xuyên đăng những cảnh báo các trang thông tin sản phẩm vi phạm quảng cáo. Qua đó, khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh...

Tuy nhiên, để kiểm soát quảng cáo TPCN có hiệu quả, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát lại quy trình cấp phép quảng cáo sản phẩm TPCN. Quan trọng là, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, nhất là các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo trên các trang thông tin điện tử. Có sự phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm TPCN trên thị trường…

HOÀNG KIM HỒNG

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Sữa chua từ thực vật - Thực phẩm dinh dưỡng tuyệt vời

Sữa chua từ thực vật - Thực phẩm dinh dưỡng tuyệt vời

Thực phẩm chức năng - 10/05/2022

Sữa chua từ thực vật - Thực phẩm dinh dưỡng tuyệt vời

Uống nhiều vitamin C khi điều trị Covid-19 có thể làm tổn thương dạ dày

Uống nhiều vitamin C khi điều trị Covid-19 có thể làm tổn thương dạ dày

Thực phẩm chức năng - 26/04/2022

Uống nhiều vitamin C khi điều trị Covid-19 có thể làm tổn thương dạ dày

Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Thực phẩm chức năng - 04/04/2022

Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh

Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh

Thực phẩm chức năng - 31/03/2022

Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh

Kiểm tra hoạt động nghiên cứu thực phẩm chức năng Kovir hỗ trợ điều trị Covid-19

Kiểm tra hoạt động nghiên cứu thực phẩm chức năng Kovir hỗ trợ điều trị Covid-19

Thực phẩm chức năng - 15/09/2021

Kiểm tra hoạt động nghiên cứu thực phẩm chức năng Kovir hỗ trợ điều trị Covid-19

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới