Bất ngờ từ chế phẩm rửa tay sát khuẩn hay nước rửa tay khô

07:43 16/07/2020 - Thuốc biệt dược
30 giây là khoảng thời gian cần thiết để thực hiện khử khuẩn tay, điều đó cũng tương đương với rửa bằng xà phòng và nước sạch.

Một nghiên cứu thực hiện tại các nông trại ở Hoa Kỳ đã cho thấy những công nhân rửa tay có chất sát khuẩn xuất hiện chất chuyển hóa thuốc trừ sâu trong nước tiểu, trong khi rửa tay bằng nước không thấy có điều này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy rửa tay thường xuyên sẽ giảm xâm lấn và lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh qua bàn tay và đặc biệt tay nhân viên y tế. Nhờ đó giảm lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh ở cộng đồng đặc biệt trong thời gian có dịch bệnh và cũng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cùng chi phí chăm sóc, điều trị các bệnh lây nhiễm. Gánh nặng toàn cầu chăm sóc, điều trị bệnh lây nhiễm rất lớn. Hơn 1,4 triệu người ở các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới luôn bị các bệnh nhiễm khuẩn đe dọa.

Ngay cả tại các cơ sở y tế, nhân viên luôn được giáo dục về hiệu quả và lợi ích rửa tay, các nghiên cứu gần đây cho thấy tuân thủ rửa tay vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu năm 2017 với nhân viên y tế tại các khoa cấp cứu, tỷ lệ tuân thủ chỉ có 54%. Một cuộc khảo sát về rửa tay tại các nhà cung cấp dịch vụ hồi sức cấp cứu cho thấy mức độ tuân thủ còn thấp hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US-CDC) vệ sinh tay gồm rửa: bằng xà phòng và nước sạch, bằng nước sát khuẩn, xoa đều chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn, bọt hoặc gel, hoặc chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn cho phòng mổ. Nhiều lý do cho thấy chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn ngày càng sử dụng làm chất khử khuẩn thay xà phòng và nước sạch. Dễ mua, không cần nước hay hệ thống cấp nước và hiệu quả đã được chứng minh trong giảm nhiễm vi sinh vật gây bệnh trên bàn tay. Trong một nghiên cứu về chiến dịch rửa tay toàn bệnh viện, đặc biệt chú trọng đến khử khuẩn tay bằng cồn, đã cải thiện tuân thủ rửa tay, giúp giảm nhiễm vi sinh vật gây bệnh tại bệnh viện và lây truyền MRSA (tụ cầu Staphylococcus aureus kháng thuốc methicilin vi khuẩn gây nhiễm khuẩn nhiều bộ phận cơ thể. Điều trị khó hơn các chủng S. aureus khác vì kháng nhiều kháng sinh thường dùng trong điều trị). Quảng bá liên tục sản phẩm, chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn đã góp phần làm tăng tuân thủ. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy sản phẩm có sẵn tiện dùng đã làm tăng tuân thủ rửa tay trong nhân viên y tế.

Tuy nhiên cần phải nhớ hiệu quả chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn phụ thuộc vào cách sử dụng và lượng sản phẩm dùng, kỹ thuật sử dụng đúng và sử dụng thường xuyên. Cũng có những tình huống các sản phẩm này không phù hợp để ngăn ngừa lây lan một số bệnh nhiễm vi sinh vật gây bệnh hoặc khi tay quá bẩn và môi trường có lượng vi khuẩn quá cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Hóa chất thay thế cồn trong chế phẩm rửa tay sát khuẩn

Do đặc tính dễ cháy nên một số công thức chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn được thay thế bằng các chất có tính sát khuẩn cao như benzalkon clorid 0,1%, chlorhexidin gluconat 0,5%-1%, hexachlorophen 4%, triclosan 0,3% và polyvinylpyrrolidon 10%, Nano Bạc 1%. Ưu điểm nổi trội: Không gây cháy, nồng độ thấp làm cho sản phẩm có độc tính tương đối thấp, hiệu quả cao. Thường các dung dịch này hay có tá dược thân nước, dễ thấm vào da tay và vẫn hiệu quả sau khi dung dịch khô. Tuy nhiên sản phẩm không có cồn vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường y tế. chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn được nhiều tổ chức y tế ưa chuộng hơn nên được coi đáng tin cậy hơn.

Đặc điểm của một số hóa chất trong các chế phẩm sát khuẩn tay

ĐẶC ĐIỂM

ALCOHOL

IODIN

CHLORHEXIDIN

Cơ chế tác dụng

Biến tính protein

vi sinh vật gây bệnh

Oxy hóa

Tăng tính thấm màng tế bào

vi sinh vật gây bệnh

Phổ diệt khuẩn

Gr (+), Gr (-), lao

Gr (+), Gr (-)

Gr (+), Gr (-), lao

Nấm

Tốt

Tốt

Tốt

Virus

Vừa

Yếu

Tốt

Nha bào

Không

Không

Thời gian tác dụng

Nhanh

Chậm

Nhanh, kéo dài

Chất hữu cơ gây bất hoạt

ít

Nhiều

ít

Tác dụng phụ

Khô da

Dị ứng da, có thể gây suy giáp ở trẻ sơ sinh

Kích ứng da

Định nghĩa chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn (dung dịch, gel hoặc gel tạo bọt) dùng sát khuẩn tay, diệt các vi sinh vật gây bệnh và hoặc ức chế phát triển các vi sinh vật này. Chế phẩm có thể chứa một hoặc nhiều loại alcohol, các hoạt chất khác, tá dược và chất làm ẩm.”

Thành phần

Hầu hết chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn có chứa ethanol, isopropanol, n-propanol hoặc kết hợp các alcohol trên. Hoạt tính kháng khuẩn của alcohol do khả năng gây biến tính và đông vón protein. Các tế bào vi sinh vật gây bệnh bị phân giải và quá trình trao đổi chất bị phá vỡ. Dung dịch cồn 60% đến 95% có hiệu quả nhất. Nồng độ alcohol cao hơn ít hiệu quả hơn vì protein không dễ bị biến tính khi thiếu nước. Độ cồn trong chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn thường biểu thị phần trăm theo thể tích trên thể tích, nhưng đôi khi theo phần trăm trọng lượng.

Ethanol là chất kháng khuẩn lâu đời. Được khuyên dùng khử khuẩn tay từ năm 1888. Hiệu quả kháng khuẩn cao nhất ở nồng độ khoảng (60%-85%), với isopropanol (60%-80%) và n-propanol (60%-80%). Hoạt tính kháng khuẩn sâu rộng và tức thì. Ethanol là thành phần alcohol phổ biến nhất trong chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn, có hiệu quả nhất đối với virus; còn propanol có hoạt tính diệt khuẩn tốt hơn ethanol. Không có alcohol nào diệt được vi khuẩn đã kháng alcohol. Kết hợp alcohol có thể cho tác dụng hiệp đồng. Nồng độ alcohol ảnh hưởng tới hiệu quả trong một nghiên cứu cho thấy ethanol 85% tốt hơn nhiều trong giảm lượng vi khuẩn so với cồn 60% đến 62%. chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn thường có chất làm ẩm như glycerin, giúp ngừa khô da và chất làm mềm hoặc dưỡng da, như nha đam, giúp tránh khô da.

Chỉ định

chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn hiệu quả cao, hoạt phổ rộng với nhiều vi sinh vật gây bệnh do hoạt tính của cồn và không cần nước hoặc làm khô tay bằng khăn. Theo US-CDC alcohol có tác dụng diệt khuẩn in vitro rất hiệu quả với vi khuẩn sinh dưỡng gram dương và gram âm, gồm các chủng kháng đa thuốc (MRSA, VRE-Vancomycin-Resistant Enterococci kháng nhiều loại kháng sinh trong đó có vancomycin), Mycobacterium tuberculosis, HIV, virus cúm, virus hợp bào hô hấp, vaccinia và virus viêm gan B, C. Nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận hoạt tính kháng khuẩn in vivo của các alcohol hiệu quả với các chủng Acinetobacter baumannii, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Enterococcus faecalis, Pseudomonas từ bàn tay bị ô nhiễm nặng của những người tham gia thử nghiệm.

chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn rất có hiệu quả trong ngăn ngừa lây lan bệnh cúm mùa, các chủng cúm A, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và các bệnh có nguyên nhân từ vi sinh vật gây bệnh. chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn có hiệu quả rõ rệt hơn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch khi loại bỏ rhinovirus (nguyên nhân thường gặp nhất với cảm lạnh thông thường lây lan do tiếp xúc tay). Nhiều người ngại tác dụng kháng khuẩn rất ngắn của chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn. Thêm các acid hữu cơ vào ethanol sẽ kéo dài hoạt tính diệt virus còn sót lại trong ít nhất 4 giờ. Các phương pháp điều chỉnh này có làm giảm lây nhiễm rhinovirus trong môi trường tự nhiên hay không vẫn còn chưa xác định được.

Năm 2017 Tạp chí Bệnh Lây nhiễm (Journal of Infectious Diseases) công bố một nghiên cứu về hoạt tính diệt virus của chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn chống lại các virus đã gây thành dịch: Ebola, Zika (ZIKV), Coronavirus: SARS-CoV, MERS-CoV và xác định cả hai công thức I và II của WHO (có ethanol và isopropanol) có thể bất hoạt hiệu quả màng các virus này. Điều này cho thấy chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn rất hiệu quả trong các hệ thống y tế và các tình huống bùng phát dịch bệnh như COVID-19 hiện nay.

Một ưu điểm nữa khi sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn thường ít kích ứng tay. Rửa tay quá nhiều bằng xà phòng và nước có thể gây tổn thương da và tăng nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Làm khô tay bằng khăn sẽ loại bỏ mầm bệnh trước tiên do ma sát trong quá trình cọ xát với vật liệu đã sấy và sau đó hút hơi ẩm vào vật liệu đó. US-CDC khuyến nghị sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn có chất nhuận da và dưỡng da thay cho xà phòng và chất tẩy rửa gây khó chịu để giảm tổn thương da, khô da và kích ứng da. Tổn thương da có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn trên da, dẫn đến tình trạng nhiễm tụ cầu khuẩn và trực khuẩn gram âm thường xuyên hơn. Theo một số nghiên cứu viêm da tiếp xúc kích ứng thấp nhất với các chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn có công thức tốt và chứa các chất nhuận da và dưỡng da so với các phương pháp rửa tay khác. Điều này đặc biệt tốt cho nhân viên y tế, những người có thể phải rửa tay hơn 30 lần mỗi ca. Tuy nhiên ngay cả các sản phẩm có chứa chất làm mềm alcohol có thể gây ra cảm giác xót nếu có vết đứt tay hoặc trầy xước da tay. Nhưng cũng không đáng lo lắng vì chứng viêm da tiếp xúc dị ứng do sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn không phổ biến nhiều.

Chống chỉ định

Nhiều người lo ngại về khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe do nghiện alcohol không chủ ý (qua hô hấp và tiếp xúc với da) vì nghề nghiệp phải sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn thường xuyên, cho thấy cần nghiên cứu thêm điều này.

Chống chỉ định tương đối

chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn không chứng minh được có hiệu quả như rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại trừ một số vi sinh vật gây bệnh. Alcohol có hoạt tính rất thấp với các nang trứng động vật đơn bào, một số virus không màng và bào tử vi khuẩn.

Cryptosporidium ký sinh trùng sống trong nước gây bệnh đường ruột. Khi nhiễm bệnh những người bị suy giảm khả năng miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất. Theo US-CDC chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn không hiệu quả đối với Cryptosporidium.

Norovirus nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và bùng phát thành dịch do thực phẩm ô nhiễm ở Hoa Kỳ. Theo US-CDC hơn 90% các vụ dịch tiêu chảy trên tàu du lịch do norovirus gây ra. Hầu hết các đợt bùng phát dịch bệnh norovirus xảy ra do lây nhiễm người sang người. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, gồm viện dưỡng lão và bệnh viện là những nơi phổ biến nhất bùng phát dịch bệnh do norovirus ở Hoa Kỳ và các nước công nghiệp khác, đặc biệt tại các cơ sở chăm sóc dài hạn. Các nghiên cứu cho thấy chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn thường không hiệu quả đối với các virus không có màng gồm cả norovirus. Một nghiên cứu khác thậm chí còn tìm thấy liên hệ giữa ưu tiên sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn thường xuyên với nguy cơ bùng phát dịch do norovirus. Tuy nhiên chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn vẫn có hiệu quả chống lại norovirus ngay cả ở nồng độ thấp hơn, khi có thêm vào công thức các acid khác. Hiệu quả sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn chống lại norovirus thay đổi theo loại alcohol và nồng độ alcohol trong công thức. Các chuyên gia của WHO vẫn khuyến cáo sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn trong vụ bùng phát dịch bệnh do norovirus.

Có những trường hợp chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn không hiệu quả invivo chống lại virus không màng. Các nghiên cứu đã cho thấy chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn làm giảm các chất chuẩn độ định lượng 3 loại virus không màng (rotavirus, adenovirusrhovovirus) và kết quả cao hơn ở viêm gan A và enterovirus.

Một đánh giá gần đây cho thấy nồng độ ethanol 80% không có khả năng diệt hiệu quả các virus: bại liệt, polyomavirus, calicillin (FCV), virus viêm gan A (HAV) và virus lở mồm long móng (FMDV). Tuy nhiên ethanol 95% có hoạt phổ bao trùm phần lớn các virus gây bệnh. chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn bổ sung acid thể cải thiện đáng kể hoạt tính diệt virus của ethanol ở nồng độ thấp, như virus bại liệt, polyomavirus, FCV và FMDV mặc dù một số loại virus như HAV vẫn có thể cũng kháng cồn. Vấn đề là khả năng chịu được ở nồng độ cồn cao hơn tới đâu.

chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn dạng gel giết chết dạng sinh dưỡng của Clostridium difficile nhưng không giết được dạng bào tử C. difficile. Một số nghiên cứu cho thấy rửa tay bằng xà phòng và nước sạch có hiệu quả hơn trong loại bỏ dạng bào tử C. difficile so với chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn ở những người thử nghiệm đã cấy một số bào tử C. difficile lên tay. Tuy nhiên không có nghiên cứu nào ở các cơ sở chăm sóc trước viện, chứng minh có tăng nhiễm hoặc giảm nhiễm C. difficile khi sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Đeo găng tay, tháo găng đúng cách để tránh nhiễm bẩn tay khi bỏ găng là tối quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm C. difficile và có thể biện luận cho bất kỳ lợi ích tiềm năng nào trong sử dụng xà phòng và nước sạch so với phải sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn.

Sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn ít hiệu quả hơn so với các phương pháp rửa tay khác khi loại bỏ E. coli và các vi sinh vật gây bệnh khác (caliciviruse) dưới móng tay. Điều này đặc biệt đúng với móng tay dài và móng tay giả, theo báo cáo quần thể vi khuẩn có chỗ ẩn nấp nhiều hơn ở móng tay tự nhiên.

Một nghiên cứu thực hiện tại các nông trại ở Hoa Kỳ đã cho thấy những công nhân rửa tay có chất sát khuẩn xuất hiện chất chuyển hóa thuốc trừ sâu trong nước tiểu, trong khi rửa tay bằng nước không thấy có điều này.

Phương pháp sử dụng

Hiệu quả chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn phụ thuộc nhiều vào phương pháp sử dụng. Phải xoa sản phẩm lên lòng bàn tay và chà sản phẩm lên khắp bề mặt cả hai tay cho đến khi khô. Đã có một số nghiên cứu về lượng cần dùng để đạt hiệu quả (khuyến nghị 2,4 đến 3 ml) và thời gian thực hiện để có tác dụng (25 đến 30 giây). Bình đựng có thể cho ít hơn 3 ml chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn nếu chỉ xoa một lần, sẽ không đủ để làm ướt toàn bộ bàn tay.

chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn tạo bọt có 62% ethanol dùng khử nhiễm khuẩn tay ở nhiều quốc gia. Cần thời gian khô lâu hơn, có thể làm nhân viên y tế giảm tuân thủ khi không lấy đủ lượng bọt được đề nghị. Một nghiên cứu cho thấy thời gian cần thiết đủ khô tay thường yêu cầu trên 30 giây. Do đó để nhanh chóng thực hiện thao tác sát khuẩn, chỉ với một lượng nhỏ có hiệu lực hay gặp trong thực tế và lượng nhỏ này không đáp ứng được hiệu quả và chỉ tốt hơn nước một chút.

Một nghiên cứu khác cho thấy không thể khử khuẩn tay đạt hiệu quả trong 15 giây và thời gian thực hiện sát khuẩn tay bằng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn phải trên 30 giây. 30 giây là khoảng thời gian cần thiết để thực hiện khử khuẩn tay, điều đó cũng tương đương với rửa bằng xà phòng và nước sạch. Nghiên cứu cho thấy người sát khuẩn tay bằng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn cần nhận thức được phải xoa toàn bộ bàn tay trong quá trình khử khuẩn vệ sinh tay đủ thời gian. Tóm lại cần lưu ý sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn phải thực hiện như rửa tay bằng nước: Gồm 6 bước như hình vẽ dưới đây và dùng khoảng 2,4-3,0ml chế phẩm, thời gian xoa tay ít nhất 30 giây.

Cảnh báo

Nhiều người suy nghĩ vấn đề với chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn không phải là xà phòng và nước họ lo ngại trẻ em uống nhầm sản phẩm. chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn có thể gây ngộ độc alcohol nếu nuốt phải một vài ngụm. Các trung tâm kiểm soát chất độc của Hoa Kỳ đã nhận được gần 85.000 cuộc gọi trong thời gian 2011-2015 về trẻ em uống nhầm dung dịch sát khuẩn. Một số nghiên cứu đã cho thấy nuốt phải ethanol trong chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn có thể bị ngộ độc và hạ đường huyết ở trẻ em. Đã có trẻ lớn hơn uống thay rượu.

Ý nghĩa lâm sàng

Sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn làm tăng đáng kể tuân thủ sát khuẩn tay trong môi trường y tế. chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn hiệu quả, dễ tiếp cận và mất khá ít thời gian khi sử dụng. Mặc dù trong một số tình huống có thể kém hiệu quả hơn xà phòng và nước sạch, nhưng khi sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn sẽ hình thành thói quen rửa tay, một thói quen rất có lợi. Nếu trong tình huống biết rõ đang tiếp xúc với các vi sinh vật ít nhạy cảm với chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn hoặc tay bị dính bẩn nên dùng xà phòng và nước sạch (hoặc cả hai) có thể là cách khử khuẩn tốt nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Tăng cường kết quả trong nhóm chăm sóc sức khỏe

Lợi ích rửa tay có thể làm giảm lây nhiễm nhiều vi sinh vật gây bệnh đã rõ ràng. Tuy nhiên rửa tay thường khó thực hiện và do đó sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn đã trở nên phổ biến. chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn được sử dụng bên ngoài các cơ sở y tế và trong hầu hết các ngành công nghiệp vì có hiệu quả trong việc diệt vi sinh vật gây bệnh tốt hơn chỉ rửa tay với xà phòng và nước. Có một số công thức chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn dưới dạng gel, bọt hoặc chất lỏng. Tất cả nhân viên y tế không chỉ nên sử dụng chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn thường xuyên họ còn phải giáo dục công chúng về lợi ích của chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn. Trong vài giây, alcohol có thể diệt hầu hết các vi khuẩn hình thành bào tử. Dữ liệu cho thấy chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn giúp cải thiện rửa tay và có thể làm giảm lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong bệnh viện. Khó khăn với sử dụng chất khử khuẩn có alcohol là ý thức tuân thủ thấp; do đó cần phải liên tục giáo dục truyền thông về lợi ích của rửa tay. Điều dưỡng viên và dược sỹ có vai trò chính trong giáo dục/giám sát không cả với nhân viên y tế khác và còn cả với công chúng về tầm quan trọng của việc rửa tay.

Công thức pha chế phẩm rửa tay sát khuẩn có cồn theo khuyến cáo của WHO

Công thức I (Ethanol 80%)

Ethanol 96%                    833,3 ml

H₂O₂ 3%                          041,7 ml

Glycerol 98%                   014,5 ml

Nước cất vđ                    1000 ml

Độ cồn ethanol 80%, lượng glycerol 1,45%, H₂O₂ 0,125%. Lưu ý theo công thức này giá thành một lít sản phẩm thời điểm 02/2020 mua lẻ nguyên liệu chưa quá 35.000 VNĐ.

Công thức II (Isopropanol 75%)

Isopropanol 99.8%                  751,5 ml

H₂O₂ 3%                                  41,7 ml

Glycerol 98%                          14,5 ml

Nước cất vđ                           1000 ml

Độ cồn isopropanol 75%, lượng glycerol 1,45%, H₂O₂ 0,125%

DS Nguyễn Hải Đăng - Tạp chí Dược Mỹ phẩm

 

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế

TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế

Thuốc biệt dược - 16/08/2024

TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Thuốc biệt dược - 22/07/2024

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở

Thuốc biệt dược - 17/07/2024

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở

Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV

Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV

Thuốc biệt dược - 20/06/2024

Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành

Thuốc biệt dược - 20/06/2024

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới