Chuẩn bị thử nghiệm Covivac giai đoạn một
Theo tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), nhóm nghiên cứu viên sẽ được tập huấn về quy trình thử nghiệm, khám, tuyển dụng đối tượng tham gia thử nghiệm. Trường Đại học Y Hà Nội kiểm tra và chuẩn bị cơ sở vật chất để tình nguyện viên ở lại theo dõi sau khi tiêm.
Tiến sĩ Thái cũng cho biết khó khăn tài chính cho thử nghiệm Covivac đã được tháo gỡ, đang gấp rút chuẩn bị các khâu còn lại để tiêm thử nghiệm vaccine. Nhóm nghiên cứu đang chờ đợi được phê duyệt để đăng thông tin chính thức tuyển tình nguyện viên cho thử nghiệm.
Đại diện Trường Đại học Y Hà Nội cho biết khu vực thử nghiệm lâm sàng nằm ở tầng 3 thuộc ký túc xá nhà trường. Nơi đây có đầy đủ giường bệnh, các loại thuốc men, trang thiết bị cho thử nghiệm. Khu vực này đã được Hội đồng y đức Bộ Y tế thẩm định, cấp chứng chỉ đạt chuẩn thử nghiệm vaccine và các chế phẩm khác. Bên cạnh khu vực thử nghiệm là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sẵn sàng can thiệp, hỗ trợ mọi tình huống bấy ngờ có thể xảy đến.
Theo kế hoạch, tình nguyện viên sẽ ở lại địa điểm nghiên cứu 24 giờ sau khi tiêm vaccine để được theo dõi, ghi lại và xử trí nếu có tác dụng phụ. Hai ngày sau khi tình nguyện viên tiêm vaccine rời khỏi địa điểm nghiên cứu, nghiên cứu viên sẽ gọi điện để hỏi thăm sức khỏe và nhắc nhở lần thăm khám tiếp theo.
Tình nguyện viên sẽ được khám 9 lần trong vòng 13 tháng kể từ khi được chấp thuận tham gia thử nghiệm. Trong đó, lần đầu tiên nhằm sàng lọc người tình nguyện đủ điều kiện tham gia. Họ cũng được lấy mẫu máu 7 lần, gồm trước tiêm và 7 ngày sau mỗi lần tiêm, 14 ngày, 6 tháng 12 tháng sau lần tiêm thứ hai. Việc này nhằm đánh giá sức khỏe và đo lượng kháng thể trong máu, đảm bảo tình nguyện viên khỏe mạnh.
Covivac là vaccine Covid-19 do IVAC nghiên cứu, phát triển. Đây là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người, dự kiến tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn một vào giữa tháng 3. Vaccine được sản xuất từ công nghệ trứng gà có phôi, là công nghệ sản xuất vaccine cổ điển, đã được IVAC ứng dụng sản xuất nhiều sản phẩm như vaccine cúm mùa, H5N1.
Theo đánh giá ban đầu, Covivac có hiệu quả chống lại biến chủng nCoV Anh và Nam Phi. Viện IVAC dự kiến cung cấp Covivac với giá 60.000 đồng một liều.
Vaccine Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được thử nghiệm trên người là Nanocovax do Nanogen sản xuất, hiện đã bước sang thử nghiệm giai đoạn hai. Một đơn vị khác cũng đang nghiên cứu vaccine Covid-19 là Vabiotech, chuẩn bị nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành