Giải quyết tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị HIV

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc kháng vi-rút (ARV) trong điều trị HIV/AIDS trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Trước dịch, người bệnh được cấp phát thuốc ba tháng/ lần. Nhưng với tình trạng khan hiếm, thiếu hụt thuốc như hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn mới, theo đó người bệnh sẽ được nhận thuốc chia nhỏ định lượng với số lượng ít hơn hoặc tạm thời bổ sung loại thuốc mới.
Cán bộ y tế Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa) phân bổ thuốc để gửi cho người bệnh. Ảnh: CDC KHÁNH HÒA
Cán bộ y tế Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa) phân bổ thuốc để gửi cho người bệnh. Ảnh: CDC KHÁNH HÒA

 

Theo PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), có rất nhiều lý do khiến Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu hụt thuốc ARV điều trị HIV. Nhưng lý do chính, là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm chậm quá trình sản xuất và vận chuyển thuốc. Hiện nay, hơn 153 nghìn người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị với 19 loại thuốc khác nhau, trong đó 16 loại thuốc được sản xuất tại Ấn Độ. Do dịch Covid-19 bùng phát và làm ảnh hưởng rất nặng nề tại Ấn Độ, cho nên việc nhập thuốc gặp nhiều khó khăn, không đúng theo kế hoạch. Việc này đã khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới bị thiếu thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân thứ hai, đó là việc chuyển đổi cơ chế mua sắm thuốc ARV từ nguồn viện trợ sang Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cũng làm ảnh hưởng bởi quy trình, quy định khắt khe. Đối với thuốc từ nguồn viện trợ, luôn có hàng tồn kho từ 8 đến 12 tháng nhằm bảo đảm cung ứng đủ thuốc trong năm, trong khi chờ phê duyệt kế hoạch cho năm sau. Lượng tồn kho này bảo đảm an ninh thuốc để đề phòng cho các tình huống xấu dẫn đến không có thuốc cung cấp. Nhưng với nguồn thuốc cung ứng từ nguồn BHYT, theo quy định không cho phép được lập kế hoạch với lượng tồn kho lớn.

Nguồn thuốc theo BHYT được thực hiện hợp đồng theo năm, và phải bảo đảm sử dụng tối thiểu 80% kế hoạch mua sắm trong năm đó. Do đó, các cơ sở điều trị HIV/AIDS chỉ dự trù vừa đủ hoặc tồn kho hai đến ba tháng để gối sang năm sau và thuốc phải về đến cơ sở điều trị trước ngày 1 tháng 1 của năm đó. Trong trường hợp nếu thuốc không về trước thời điểm này, nguy cơ thiếu thuốc sẽ rất lớn do lượng tồn kho gối đầu quá thấp. Đây chính là bất cập khi thuốc ARV được cung cấp qua nguồn BHYT.

Theo phản ánh của một số người bệnh điều trị HIV tại Bình Dương, trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, Bình Dương cũng trong tình trạng thiếu thuốc ARV tại một số phòng khám ngoại trú. Nguồn thuốc ARV dự trữ theo BHYT đã hết, người bệnh phải tự mua tạm thời thuốc bên ngoài để đợi nguồn thuốc mới về. Nhiều người bắt đầu thể hiện sự lo lắng trước việc cấp phát thuốc cầm chừng từ một tháng xuống còn nửa tháng, có vài tuần đến một tuần, và giờ phải mua thuốc ngoài để điều trị đợi nguồn thuốc của trung tâm y tế. Một số trường hợp khác, do lo thiếu thuốc cho nên đã lên mạng tìm mua nguồn thuốc trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, việc mua thuốc từ nguồn không bảo đảm rất đáng lo ngại, sẽ không những không chữa bệnh được, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), gián đoạn thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tải lượng vi-rút sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Khi tuân thủ điều trị, tải lượng vi-rút HIV của người nhiễm HIV giảm xuống mức không thể phát hiện, giữ cho người đó khỏe mạnh và ngăn ngừa việc lây truyền vi-rút về sau.

Để bảo đảm cho người bệnh không bị thiếu thuốc ARV ảnh hưởng đến quá trình điều trị, Bộ Y tế đã đưa ra một số giải pháp như thay đổi chương trình điều trị và thay thế sử dụng loại thuốc điều trị HIV mới; đồng thời làm việc với bộ phận mua sắm của Quỹ Toàn cầu để đặt các đơn hàng thuốc ARV khẩn cấp cho Việt Nam; huy động tổng lực, điều phối thuốc ARV các nguồn, chuyển thuốc từ cơ sở này sang cơ sở khác nhằm bảo đảm các cơ sở đều có thuốc để cấp cho người bệnh. Bộ Y tế cũng tạm thời giảm thời gian cấp thuốc ARV cho người bệnh, thay vì ba tháng xuống còn dưới một tháng để bảo đảm người nhiễm HIV vẫn có thuốc để điều trị. Cục cũng liên tục làm việc với các đơn vị liên quan để thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm thuốc ARV do Quỹ BHYT chi trả.

Đáng chú ý, do tình trạng thiếu hụt nguồn thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành y tế đã nhanh chóng chuyển đổi phác đồ điều trị theo chương trình điều trị mới với các loại thuốc điều trị HIV khác. Đây cũng là phương án dự phòng những rủi ro trong việc gián đoạn nguồn thuốc điều trị ARV. Tuy nhiên cần bảo đảm phải ưu tiên đẩy mạnh chuỗi cung ứng một cách liên tục các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV nhằm ngăn chặn tử vong do HIV, cũng như ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong đại dịch Covid-19 để tiếp tục điều trị bền vững, lâu dài .

Yếu tố quan trọng nhất quyết định tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV trong bối cảnh Covid-19 là gián đoạn việc cung cấp thuốc điều trị ARV. Một số nghiên cứu cho thấy, việc gián đoạn ba tháng điều trị đối với 40% những người điều trị ARV có thể gây ra tỷ lệ tử vong tương đương với số người có thể dự phòng Covid-19 thông qua giãn cách xã hội. Nếu khoảng 60 đến 90% số người đang điều trị ARV bị gián đoạn trong 9 tháng có thể khiến số ca tử vong do HIV vượt quá số ca tử vong do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nếu việc cung cấp ARV được duy trì, bắt đầu điều trị mới, gia tăng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, thì ước tính tỷ lệ tử vong do HIV sẽ được giới hạn ở mức 7% trong vòng 5 năm.
Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)

 
Thanh Mai

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới