Hàng triệu viên thuốc molnupiravir đang chờ được bán ra thị trường

Boston Việt Nam đã sản xuất khoảng 2 triệu viên thuốc kháng virus molnupiravir; Công ty cổ phần FPT Long Châu chuẩn bị một triệu viên, chờ Bộ Y tế phê duyệt giá là đưa ra thị trường.
Ảnh minh họa
Thuốc Molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất trong giai đoạn nghiên cứu. Ảnh: Lê Phương

 

 

Ông Lương Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, cho biết doanh nghiệp có thể sản xuất 30-60 triệu viên molnupiravir mỗi tháng. Ngay sau khi được Bộ Y tế cấp phép molnupiravir (hôm 17/2), công ty đã bắt tay vào sản xuất, ưu tiên tăng tốc molnupiravir đồng thời vẫn đảm bảo các mặt hàng đang sản xuất để cung ứng cho thị trường.

"May mắn hiện nay việc mua nguyên liệu cho thuốc kháng virus không khó", lãnh đạo Boston nói. Công ty sẽ dựa vào nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất cụ thể hơn trong thời gian tới.

Theo ông Khoa, các chuyên gia của công ty đã nghiên cứu, cho xuất xưởng những viên thuốc đầu tiên từ tháng 9/2021, với mong muốn người dân được dùng những viên thuốc "made in Vietnam" giá cả phù hợp, chất lượng cao trong bối cảnh số ca Covid-19 liên tục tăng, molnupiravir khan hiếm. Thuốc được theo dõi độ ổn định trong điều kiện thông thường cũng như môi trường nhiệt độ, độ ẩm khắc nghiệt hơn, với các mức 30-40-60 độ C. Đến nay, kết quả ghi nhận thuốc vẫn ổn định 100% ở các điều kiện khác nhau, sau hơn 5 tháng.

Thông thường, thuốc sau khi sản xuất sẽ được kiểm nghiệm trước khi xuất xưởng, thời gian bao lâu phụ thuộc vào hoạt chất, phương pháp kiểm nghiệm. Thuốc molnupiravir của Boston tên nhãn hiệu Molravir, theo quy trình, khoảng 14 giờ sau khi bắt đầu pha chế sản xuất là có thành phẩm và kiểm nghiệm hoàn thành để xuất xưởng.

Boston Việt Nam là một trong ba doanh nghiệp ngày 17/2 được Bộ Y tế thuốc kháng virus molnupiravir. Hai đơn vị còn lại là Công ty Stellapharm Việt Nam và Công ty Cổ phần Hóa - dược phẩm Mekophar. Đây là thuốc kháng virus đầu tiên điều trị Covid-19 được cấp phép tại Việt Nam.

Đại diện Công ty Stellapharm Việt Nam cho biết công suất nhà máy có thể đạt 100 triệu viên mỗi tháng cho thị trường trong nước. "Nếu nhu cầu người bệnh tăng, công ty sẽ sắp xếp tăng công suất nhưng chỉ mong điều đó không xảy ra", đại diện này nói.

Công ty Stellapharm được nhượng quyền sản xuất molnupiravir đầu tiên tại Việt Nam, tài trợ hàng triệu viên thuốc cho Bộ Y tế cấp phát miễn phí người bệnh trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ. Đầu năm nay, công ty là doanh nghiệp duy nhất Việt Nam được Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) nhượng quyền sản xuất thuốc kháng virus molnupiravir, có thể cung cấp 105 quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Trong khi đó, đại diện Mekophar cho biết "đợi hướng dẫn của Bộ Y tế" về giá bán, phân phối thuốc ra thị trường...

Doanh nghiệp, nhà thuốc chờ Bộ Y tế duyệt giá để bán

Các công ty đang đợi ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phê duyệt giá, phạm vi phân phối cùng những hướng dẫn cụ thể để sớm đưa thuốc ra thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp cho biết không đặt nặng lợi nhuận, cố gắng rẻ nhất có thể để nhiều người dân được tiếp cận thuốc. Mức giá khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho các nước kém phát triển là 19,9 USD (tương đương 440.000 đồng).

Một hộp thuốc molnupiravir đóng gói 20 viên 400 mg hoặc 40 viên 200 mg được Boston dự kiến phân phối đến các nhà thuốc với giá hơn 270.000 đồng. Mức giá này được tính dựa trên chủ yếu là giá nhiên liệu và chi phí nhân công. Công ty đã ký hợp đồng với hơn 10.000 nhà thuốc trên toàn quốc để phân phối thuốc khi được phê duyệt giá.

"Công ty đề nghị các nhà thuốc bán với lợi nhuận vừa phải để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thuốc", ông Khoa nói và mong thuốc được ra thị trường để "người dân có thể mua với giá vừa phải, biết rõ nguồn gốc xuất xứ thay vì tìm kiếm hàng trôi nổi, không rõ chất lượng với giá cao".

Trong khi đó, Stellapharm dự kiến giá bán đến tay người dùng là 250.000 đồng một hộp (một liều điều trị). Trong khi đợi hướng dẫn chính thức từ Bộ, doanh nghiệp chưa ký hợp đồng với các nhà thuốc. "Rất nhiều người liên hệ thắc mắc khi nào bán hàng, mua thuốc ở đâu, chúng tôi cũng rất nóng lòng, hy vọng sẽ có thông tin trong tuần này", đại diện doanh nghiệp nói.

Bà Phan Thanh Uyên, Giám đốc marketing Công ty cổ phần FPT Long Châu (sở hữu hệ thống nhà thuốc Long Châu) cho biết đã ký hợp đồng phân phối molnupiravir của Boston và Stellapharm. Dự kiến, lô tiếp theo khoảng 5 triệu viên. Thuốc sẽ được bán ở gần 500 nhà thuốc trên 63 tỉnh thành với giá theo khuyến nghị của nhà sản xuất, phân phối hàng theo mức độ dịch ở từng địa bàn nhưng đảm bảo tất cả địa phương đều có. Mỗi người bệnh chỉ được mua một liệu trình, để mọi F0 đều có cơ hội mua thuốc điều trị.

Theo bà Uyên, Long Châu đang ở trong tình huống "áp lực rất lớn". Doanh nghiệp nỗ lực thần tốc ký hợp đồng với nhà cung cấp ngay sau khi Bộ Y tế cấp phép lưu hành để có thuốc sớm nhất cho người dân. Sau khi thông tin được công bố, những ngày qua, rất nhiều người bệnh đến các nhà thuốc hỏi mua molnupiravir. Tuy nhiên họ phải đợi cho đến khi Bộ Y tế phê duyệt giá thì nhà thuốc mới bán. Bộ phận chăm sóc khách hàng của FPT Long Châu cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ người mua vì "người nhà đang rất cần thuốc".

"Chúng tôi xác định thuốc được bán với giá thấp nhất có thể, tuân thủ hướng dẫn về giá từ Bộ Y tế, song đang gặp áp lực về tâm lý vì không thể đưa thuốc sớm đến tay người bệnh hiện cần, trong khi số ca nhiễm tăng cao từng ngày", đại diện FPT Long Châu cho biết và mong muốn Bộ Y tế sớm phê duyệt giá, có hướng dẫn cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ngày 18/2 cho biết đang xin ý kiến Thủ tướng và các cấp thẩm quyền, cho phép vừa cấp thuốc molnupiravir điều trị miễn phí tại các cơ sở y tế, cơ sở điều trị Covid-19, vừa cho các doanh nghiệp bán thuốc ra thị trường phục vụ người dân. Bộ Y tế cũng sẽ hướng dẫn chi tiết về phác đồ điều trị và cách sử dụng thuốc, quản lý chất lượng, giá thuốc bán ra thị trường. Dự kiến tuần này Bộ Y tế họp với ba doanh nghiệp được cấp phép sản xuất molnupiravir để quyết định giá bán. Tuy nhiên hiện chưa rõ thời gian diễn ra cuộc họp này.

 

Tính đến ngày 21/1, Bộ Y tế đã phân bổ khoảng 450.000 liều molnupiravir ở 53 địa phương. Kết quả thử nghiệm molnupiravir tại Việt Nam ghi nhận gần 100% bệnh nhân dùng thuốc có tải lượng virus thấp, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong. Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế gần đây khuyến cáo không dùng thuốc molnupiravir cho phụ nữ có thai, dưới 18 tuổi sẽ ảnh hưởng xương, nam giới .

Molnupiravir có tác dụng giảm tải lượng virus trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Bộ Y tế đã đưa molnupiravir cùng hai thuốc kháng virus khác là favipiravir, remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19. Theo đó, molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng trước hoặc sau khi mắc Covid-19 hoặc điều trị khởi đầu cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Liều dùng là 1.600 mg một ngày, tương đương 4 viên 400 mg hoặc 8 viên 200 mg. Như vậy, một hộp molnupiravir đủ cho một liệu trình điều trị F0.

Ngày 22/2, Bộ Y tế công bố 55.871 ca nhiễm tại 62 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay tính theo ngày; 77 ca tử vong. Nhiều tỉnh phía Bắc số ca nhiễm tăng cao, vượt 2.000; trong đó Hà Nội lên 6.860 ca (tăng 1.383 so hôm qua), Bắc Giang 2.842 ca (tăng 878), Lào Cai tăng 875 ca lên 2.056.

 

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới