Kháng sinh - 'con dao hai lưỡi' chữa Covid-19

Chuyên gia Mỹ cảnh báo tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị Covid-19, có thể tạo thêm gánh nặng y tế.

Cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cho phép sử dụng kháng sinh azithromycin và thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine điều trị Covid-19. Chỉ sau một tuần, số đơn thuốc hỗn hợp azithromycin và hydroxychloroquine được bác sĩ kê toa tăng 539%.

Cùng thời gian đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) báo cáo 415 bệnh nhân, 30 ca tử vong do dùng azithromycin trong 6 tháng đầu năm. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ 140 ca bệnh và 7 ca tử vong. Các ca nặng liên quan đến hydroxychloroquine cũng tăng 155%, số ca tử vong tăng gần bốn lần, theo thống kê của tạp chí Journal Sentinel đầu tháng 8.

Azithromycin là kháng sinh điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng, gồm viêm họng liên cầu khuẩn, viêm tai, và các bệnh vi khuẩn "ăn thịt người".

"Azithromycin là loại thuốc rất có giá trị. Lạm dụng quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng kháng azithromycin diện rộng", Calvin Kunin, 91 tuổi, giáo sư Đại học Bang Ohio, cựu chủ tịch Hiệp hội các Bệnh Truyền nhiễm Mỹ, phát biểu. "Nếu bị kháng azithromycin, bạn sẽ còn lại gì? Đó là một con đường dẫn tới địa ngục y tế".

"Rõ ràng chúng ta đang kê thuốc kháng sinh quá mức trong cuộc chiến Covid-19", Podolsky, bác sĩ người Mỹ, tác giả cuốn "The Antibiotic Era" (Kỷ nguyên kháng sinh) nhận định.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại khu hồi sức tích cực ở Bệnh viện Hoàng gia Papworth ở Cambridge, Anh. Ảnh: NY Times
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại khu hồi sức tích cực ở Bệnh viện Hoàng gia Papworth ở Cambridge, Anh. Ảnh: NY Times

Nghiên cứu công bố hôm 24/7, trong số hơn 5.000 bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại thành phố New York giai đoạn đầu đại dịch, 71% bệnh nhân được kê thuốc kháng sinh, bao gồm azithromycin. Trong khi đó, chỉ gần 4% mắc các nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, vốn cần được điều trị bằng azithromycin.

Tuy nhiên, hiệu quả điều trị Covid-19 của hỗn hợp thuốc chưa được khoa học chứng minh, nghiêm trọng hơn, dấy lên lo ngại về khả năng gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Đặc biệt, bệnh nhân Covid-19 vốn có tiền sử tim mạch có thể rất nguy hiểm khi sử dụng kết hợp azithromycin và hydroxychloroquine, bởi cả hai loại thuốc đều có thể tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, đe dọa tính mạng.

Thomas Maeder, tác giả cuốn "Adverse Reactions" (Những tác dụng phụ) bày tỏ sự "thiếu tự tin" về khả năng nắm bắt hết các phản ứng có hại của nhiều loại thuốc, trong đó có azithromyciz và hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19 của FDA.

Giáo sư Kunin cũng cảnh báo các y bác sĩ tuyến đầu trong trận chiến Covid-19 có thể đang lạm dụng thuốc kháng sinh, dẫn đến tình trạng kháng thuốc và nhiều tác dụng phụ. Từng là bác sĩ tuyến đầu khi dịch cúm châu Á (đại dịch cúm 1957-1958) càn quét nước Mỹ, ông không muốn những sai lầm sử dụng kháng sinh trong quá khứ tái diễn.

Những năm 1950, kháng sinh chloramphenicol được sử dụng rộng rãi. Song, việc lạm dụng chloramphenicol khi đó đã gây ra hơn 1.000 ca tử vong, bao gồm nhiều trẻ em. Giới chức y tế lần đầu tiên phải thiết kế hệ thống an toàn dược phẩm nhằm nắm bắt tốt hơn những tác dụng phụ của thuốc.

Trước đó, phát biểu trong buổi họp ngày 1/6 tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định Covid-19 khiến việc sử dụng kháng sinh tăng lên, tỷ lệ kháng thuốc cao hơn, tạo gánh nặng bệnh tật bởi số ca tử vong và hơn thế nữa.

WHO cũng đã ban hành hướng dẫn y tế, khuyến cáo bác sĩ hạn chế dùng kháng sinh cho các ca nhiễm nCoV nhẹ hoặc trung bình nếu không nghi ngờ nhiễm khuẩn, nhằm tránh tình trạng kháng thuốc khi đã khỏi bệnh.

Lê Hằng (Theo USA Today)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới