Lo ngại nCoV kháng thuốc
Paxlovid của hãng dược Pfizer và molnupiravir từ Merck là hai loại thuốc viên điều trị Covid-19 đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Thuốc có thể sử dụng dễ dàng tại nhà đối với những người có nguy cơ cao nhằm ngăn chuyển nặng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giống với các loại virus khác, nCoV có thể đột biến và vượt qua thuốc kháng virus, đặc biệt khi thuốc đang được kê đơn độc lập. Đây là lý do vì sao các liệu trình điều trị HIV và viêm gan C kết hợp nhiều loại thuốc. Điều này để làm giảm nguy cơ kháng thuốc do đột biến, bởi virus buộc phải đối phó với nhiều lớp bảo vệ hơn.
Paxlovid và molnupiravir hứa hẹn giúp giảm nguy cơ nhập viện, làm chậm sự lây lan của virus. Song tình trạng kháng thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của chúng.
Giáo sư Katherine Seley-Radtke, chuyên gia Hóa dược tại Đại học Maryland, cho hay: "Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó, vì vậy chúng ta cần tiêu diệt nó từ trong trứng nước, trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát".
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu và hãng dược cho rằng nguy cơ kháng thuốc ở Paxlovid và molnupiravir rất thấp. Chúng chỉ được kê đơn trong 5 ngày, khoảng thời gian quá ngắn để virus có những thay đổi lớn, gây ảnh hưởng đáng kể.
Theo các chuyên gia, HIV dễ kháng thuốc và làm giảm hiệu quả của một loại thuốc đơn lẻ do nó dễ đột biến khi nhân lên hơn. Quá trình điều trị một loại bệnh mạn tính như HIV cũng kéo dài hơn so với nhiễm trùng cấp tính.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, Pfizer và Merck không ghi nhận tình trạng kháng thuốc. Các nhà khoa học của hai công ty cũng cho biết mỗi viên thuốc đều có đặc điểm giúp giảm nguy cơ kháng thuốc.
Về cơ bản, virus là những đoạn mã di truyền được bọc trong vỏ protein. Chúng có thể tồn tại và phát triển chỉ bằng cách lây nhiễm vào tế bào, chiếm đoạt thành phần này để tái tạo và lây lan.
Khi nhân lên, virus có thể đột biến nhằm trốn tránh các phương pháp điều trị. Các thay đổi di truyền thường xảy ra trong giai đoạn đầu bệnh, cũng là lúc thuốc kháng virus có hiệu quả nhất.
FDA đã yêu cầu Pfizer và Merck theo dõi chặt chẽ tình trạng kháng thuốc và gửi báo cáo hàng tháng về những phát hiện mới. Đây là điều kiện để họ cấp phép cho Paxlovid và molnupiravir.
FDA cũng yêu cầu các nhà sản xuất đánh giá liệu thuốc của họ có hiệu quả trên biến chủng đáng lo ngại hay không.
"Như bất kỳ virus nào, nCoV có khả năng gây kháng thuốc, làm ảnh hưởng đến liệu pháp điều trị hiện có. Do đó, FDA đưa ra những cơ chế này nhằm hiểu được tác động tiềm tàng của biến chủng lên sản phẩm", cơ quan giải thích.
Các chuyên gia độc lập cho biết nguy cơ kháng thuốc ở Paxlovid cao hơn molnupiravir. Nguyên nhân nằm ở cách hoạt động của hai loại thuốc.
Paxlovid tiêu diệt virus bằng cách ngăn chặn một loại enzyme gọi là protease tham gia vào quá trình nhân lên. Trong khi đó, cơ chế của molnupiravir là "đánh lừa" enzyme có tên polymerase mà nCoV dùng để tái tạo. Thuốc chèn lỗi vào bộ gene của virus, gây trục trặc khi virus phát triển trong cơ thể.
Tiến sĩ Seley-Radtke cho biết cấu trúc của molnupiravir khiến virus khó hoạt động hơn. Theo các chuyên gia độc lập, nCoV đã phát triển khả năng kháng cả hai loại thuốc. Virus gặp khó khăn hơn với molnupiravir.
Các nhà khoa học cho rằng sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc giúp tấn công virus ở nhiều góc độ, ngăn chúng tự nhân lên và trốn tránh hình thức điều trị.
Carl Dieffenbach, giám đốc ban điều trị AIDS tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, nhận định: "Hãy xem thuốc Covid-19 giống như miếng phô mai. Nó có những lỗ hổng, nhưng nếu chúng ta xếp chồng nhiều lớp phô mai lên nhau, không gì có thể lọt qua được".
Pfizer đang nghiên cứu thuốc kháng virus mới và xem xét có thể kết hợp nó với những loại thuốc nào để gia tăng hiệu quả. Nghiên cứu của hãng công bố vào năm ngoái trên tạp chí Nature cho thấy Paxlovid phiên bản tiêm truyền hiệu quả cao khi dùng chung với thuốc kháng virus remdesivir.
Merck cũng đang xem xét kết hợp molnupiravir với remdesivir. Tiến sĩ Daria Hazuda, phó ban Bệnh truyền nhiễm của Merck cho biết molnupiravir có thể ngăn ngừa các đột biến kháng remdesivir. Như vậy, tổ hợp thuốc này sẽ hiệu quả hơn.
Các nhà khoa học chưa xem xét liệu molnupiravir và Paxlovid có tác dụng khi dùng chung hay không.
Thục Linh (Theo WSJ)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành