Mua thuốc từ Thái Lan cứu hai người ngộ độc pate Minh Chay
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thuốc giải độc tên là Botulism Antitoxin Heptavalent, chỉ sử dụng để giải độc botulinum. Thuốc được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để đưa về Việt Nam nhanh nhất, kịp thời điều trị. Toàn bộ tiền mua thuốc do WHO chi trả.
Theo bác sĩ Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai chưa từng gặp bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, trước đây. Hai bệnh nhân này bị ngộ độc nặng và mắc bệnh lý nền. Trung tâm Chống độc phải đề nghị được hỗ trợ thuốc.
Hai người bị ngộ độc gồm chồng 70 tuổi và vợ 68 tuổi, sinh sống ở Hoài Đức, Hà Nội. Họ nhập viện ngày 18/8, vào viện muộn khi tình trạng ngộ độc xuất hiện khoảng 18 ngày. Khi ấy cả hai bị liệt đối xứng toàn thân, khởi đầu là đau họng, khó nuốt, sụp mi, nói khó, yếu tay chân. Người chồng bị liệt cơ gần hoàn toàn, vận động nhẹ bàn tay, bàn chân, thở máy. Người vợ không tự ngồi được, liệt nhẹ cơ hô hấp.
Các bệnh nhân được dùng thuốc giải độc từ ngày 27/8. Hiện người chồng vẫn bị liệt, có thể vận động nhẹ bàn chân và bàn tay, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, không bị rối loạn cảm giác. Người vợ đã ngồi dậy được, mở được mắt và miệng.
Ngoài hai bệnh nhân trên, bốn người cũng ăn pate Minh Chay, xuất hiện triệu chứng mỏi mệt, suy yếu, đến bệnh viện khám ngày 31/8. Những người này được theo dõi, điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Nguyên cho biết độc tố botulinum có nhiều loại, gây ra bởi vi khuẩn kỵ khí trong đồ ăn được đóng gói, lọ, hộp, túi, chai kín hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố. Ngộ độc botulinum nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới thần kinh nên gây liệt toàn bộ cơ, liệt kéo dài, dễ tử vong. Bệnh nhân phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Botulinum gây ngộ độc nếu nguồn thực phẩm không được kiểm soát.
"Vụ việc nhiều người ngộ độc botulinum sau khi ăn pate lần này có thể nói là phát súng cảnh báo về loại độc tố này", bác sĩ Nguyên nói.
Để phòng bệnh, bác sĩ Nguyên khuyến cáo ăn chín uống sôi, do độc tố dễ bị nhiệt phá hủy. Nên đun nấu và sử dụng hết thức ăn trong ngày, tránh để thực phẩm trong hộp hoặc chai, lọ đóng kín lâu ngày. Thực phẩm nếu không giữ lạnh cần được bảo quản trong môi trường có đủ độ chua, mặn như cà, dưa muối. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, ngăn vi khuẩn phát triển.
Chiều 29/8, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo khẩn cấp về món pate Minh Chay vì gây ngộ độc cấp cho nhiều người trên cả nước. Ít nhất 9 người đã được phát hiện tình trạng ngộ độc, trong đó 7 người điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 người điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Cục yêu cầu thu hồi pate và các sản phẩm khác của Minh Chay thuộc các lô sản xuất từ ngày 1/7. Trên trang web của hãng, Minh Chay xác nhận thực phẩm đã gây ngộ độc, xin lỗi khách hàng và thông báo các địa điểm thu hồi sản phẩm.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành