Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đưa ra khuyến nghị tiêm vắc-xin phòng, chống sốt rét có tên thương mại là Mosquirix cho trẻ em tại các nước châu Phi. Giám đốc Chương trình chống sốt rét toàn cầu của WHO Pedro Alonso nhận định, đây là “bước tiến lịch sử” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm mà mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 500 nghìn người, bao gồm nhiều trẻ em dưới 5 tuổi tại châu Phi. Mosquirix là loại vắc-xin phòng, chống bệnh sốt rét đầu tiên được WHO cấp phép sử dụng và cũng là vắc-xin đầu tiên được phát triển thành công cho các bệnh do ký sinh trùng gây nên.
Theo thống kê của WHO, cứ mỗi hai phút, trên thế giới lại có một trẻ em chết vì bệnh sốt rét, trong đó châu Phi chiếm tới 94% số người mắc và tử vong do căn bệnh này. Ký sinh trùng sốt rét do muỗi mang theo, đặc biệt nguy hiểm vì có thể tấn công người nhiễm lặp lại nhiều lần trong đời. Ngay cả khi không tử vong, hệ miễn dịch của người nhiễm khi bị tấn công lặp đi lặp lại sẽ trở nên yếu ớt và dễ bị tác động bởi các mầm bệnh khác. Ở nhiều vùng ở khu vực châu Phi phía nam sa mạc Sahara, ngay cả những nơi mà hầu hết mọi người đều ngủ trong màn được tẩm thuốc diệt côn trùng, trẻ em mắc trung bình sáu đợt sốt rét mỗi năm. Màn ngủ, biện pháp phòng ngừa phổ biến nhất hiện nay, chỉ giảm được khoảng 20% số ca tử vong do sốt rét ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia y tế đánh giá vắc-xin Mosquirix mặc dù hiệu quả khiêm tốn ở mức khoảng 30%, thì lợi ích mà vắc-xin mang lại là đầy hứa hẹn cho công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Quyết định cấp phép được đưa ra sau khi WHO công bố bản báo cáo về một chương trình tiêm chủng thí điểm quy mô lớn, được triển khai tại ba nước Ghana, Kenya và Malawi từ năm 2019, với hơn 2,3 triệu liều được tiêm cho gần 800 nghìn người. Một liều vắc-xin Mosquirix gồm bốn mũi tiêm và được tiêm trong hai năm đầu đời của trẻ. Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nhận định, vắc-xin được WHO cấp phép mang lại tia hy vọng cho châu Phi, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ căn bệnh sốt rét. Theo ước tính, thiệt hại kinh tế do bệnh sốt rét gây ra tại các nước phía nam sa mạc Sahara là hơn 12 triệu USD mỗi năm. Tiến sĩ Moeti bày tỏ hy vọng, với loại vắc-xin mới, sẽ có nhiều trẻ em châu Phi được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc sốt rét và có thể phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh.
Để đạt mục tiêu chủng ngừa sốt rét toàn diện đến năm 2030, những nước có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét từ trung bình đến cao sẽ cần đến hàng trăm triệu liều vắc-xin. Phòng, chống sốt rét vẫn là một ưu tiên của WHO trong những nỗ lực cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua, nhưng đại dịch Covid-19 đang trở thành thách thức lớn đối với cuộc chiến chống sốt rét của WHO ở châu Phi.