Chuyên gia bác tin đồn 'vaccine Covid-19 gây vô sinh'
Khi ấy, Sathe biết mình mang bầu vài tuần song cô chưa báo tin này với ai. Cô dành những tuần tiếp theo nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin từ Trường Sản khoa Mỹ cùng Hiệp hội Y học Sản phụ và Thai nhi, gọi điện đến các chuyên gia để tham vấn thêm.
Cuối cùng, Sathe xác định đây là tin đồn sai sự thật. Cả cô và đồng nghiệp sau đó đều tiêm vaccine Covid-19. Song với cô, đây vẫn là trải nghiệm đầy hoang mang.
"Loại thông tin sai lệch đó thực sự đáng sợ. Nó thoạt nghe có vẻ hợp lý", cô nói.
Phía lan truyền thông tin "gây vô sinh" cho rằng vaccine Covid-19 "mồi" cho hệ thống miễn dịch tấn công nhầm một protein trong nhau thai được gọi là syncytin-1, có cấu trúc tương tự như protein gai của nCoV.
"Thông tin này đã tạo ra làn sóng hoang mang và sợ hãi ở phụ nữ. Thậm chí đến những người làm trong ngành y cũng liên hệ hỏi tôi xem tuyên bố đó có giá trị hay không", Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch Đại học Yale, kể lại.
Iwasaki và các đồng nghiệp sau đó đã kiểm chứng thông tin bằng hai cách khác nhau. Đầu tiên, nhóm so sánh cấu trúc protein gai của nCoV và protein syncytin-1 từ nhau thai. Kết quả, họ tìm thấy "rất ít điểm chung". Thứ hai, nhóm xem xét hơn 3.000 loại protein khác nhau ở người có phản ứng tiêu cực với các kháng thể được hình thành do nhiễm bệnh tự nhiên hoặc tiêm chủng. Syncytin-1 không nằm trong số này.
"Thông tin vô sinh kia chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Nó vô giá trị", bà Iwasaki nói.
Các thông tin sai sự thật về việc vaccine gây vô sinh xuất hiện lần đầu trên mạng xã hội vào tháng 12 năm ngoái, dựa vào thông điệp "công nghệ mRNA chưa từng được phê duyệt trước đây". Khi ấy là thời điểm Pfizer-BioNTech và Moderna báo cáo kết thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho vaccine của họ. Đây là hai vaccine Covid-19 được phát triển trên công nghệ mRNA.
Dora Anne Mills, chuyên viên giám sát triển khai vaccine tại hệ thống y tế MaineHealth, cho biết câu hỏi thường gặp nhất từ các nhân viên là công nghệ này ảnh hưởng thế nào đến khả năng sinh sản. Cách đây một năm, khi vaccine được phát triển, chính cô cũng thắc mắc điều này.
"Ban đầu, ý tưởng về vaccine mRNA có vẻ kỳ lạ. Nhưng đây không phải liệu pháp biến đổi gene", cô khẳng định.
Khi Mỹ bắt đầu triển khai vaccine Covid-19, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng được cân nhắc. Giới chức gặp phải thái độ hoài nghi từ người da đen, gốc Tây Ban Nha và các nhóm cho rằng đại dịch là trò lừa bịp. Nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 không tin tưởng vaccine, phần lớn do thông tin sai lệch lan truyền trên Facebook, Twitter và các phương tiện truyền thông xã hội khác, kể cả trong đội nhân viên y tế. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trong nhân viên y tế bệnh viện ở một số nơi chỉ đạt 20-50%, kém xa so với mục tiêu tiêm chủng bao phủ 70-80% dân số mà giới chức y tế hướng đến.
Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, cho biết: "Tôi rất lo lắng. Có những tin đồn rằng tiêm chủng Covid-19 dẫn đến vô sinh. Điều này hoàn toàn không đúng. Nhưng chúng tôi thấy được mọi người bắt đầu lưỡng lự, trong đó nhiều phụ nữ ở tuổi sinh nở".
Mills sau đó đã rất vui mừng khi Pfizer-BioNTech và Moderna công bố sản phẩm hiệu quả. "Tôi có hai con mới lớn và tôi ủng hộ chúng tiêm phòng. Tôi từng nghi ngại về chất lượng vaccine này vào mùa hè năm ngoái, song đã tự giáo dục bản thân. Đó là cả một hành trình", cô chia sẻ.
Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine. Theo báo cáo của Kaiser Family Foundation (KFF) hồi tháng 1, khoảng 40% người được hỏi cho biết họ sẽ tiêm chủng ngay khi có thể. Nghiên cứu của KFF cũng cho thấy phụ nữ có xu hướng từ chối nhận vaccine hơn nam giới, đồng thời đặc biệt lo lắng về tác dụng phụ lâu dài. Khoảng 12% chia sẻ họ đã đọc được thông tin vaccine gây vô sinh. Nhiều người tin đó là sự thật, số khác còn phân vân.
Bác sĩ và các tổ chức cộng đồng cho rằng hiểu lầm vaccine gây vô sinh chỉ là một trong nhiều lý do khiến phụ nữ do dự tiêm phòng. Số khác hoài nghi khi tiếp cận với một sản phẩm mới, được phê duyệt gần đây, các thử nghiệm ban đầu lại không tiến hành trên phụ nữ mang thai và cho con bú. Điều này dẫn đến những hướng dẫn thiếu nhất quán của cơ quan y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thai phụ có nguy cơ cao nhiễm nCoV hoặc triệu chứng nặng cần chủng ngừa. Song theo Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia Anh, dù chưa tìm thấy rủi ro của vaccine với thai kỳ, các nhà khoa học cũng không có đủ bằng chứng để khuyến nghị phụ nữ mang thai sử dụng chúng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) trung lập hơn. Cơ quan cho biết phụ nữ nên tự đưa ra quyết định của mình và tham khảo thêm ý kiến bác sĩ. Timothy Callaghan, trợ lý giáo sư về chính sách y tế tại Đại học Texas A&M, người đang nghiên cứu về tâm lý do dự khi tiêm vaccine, cho biết: "Đây là điều dễ hiểu. Phụ nữ không được hướng dẫn một cách rõ ràng về quy trình. Nhưng để đi đến thông điệp hiệu quả, chúng ta cần dữ liệu tốt hơn".
Các chuyên gia chỉ ra rằng 12 phụ nữ trong thử nghiệm lâm sàng của Pfizer-BioNTech và 6 người trong thử nghiệm của Moderna đã mang thai hoàn toàn bình thường sau khi tiêm vaccine. Nhóm lưu ý đây là bằng chứng ngắn hạn.
Hôm 18/2, Pfizer-BioNTech công bố nghiên cứu quốc tế đánh giá ảnh hưởng của vaccine đến phụ nữ mang thai. Tháng này, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony S. Fauci, cho biết trong số 10.000 sản phụ được tiêm phòng, không ai có dấu hiệu bất thường.
Thục Linh (Theo Washington Post)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao