Cuộc đua trở thành công xưởng sản xuất vaccine Covid-19 ở châu Á

Các nước châu Á nỗ lực trở thành nhà sản xuất vaccine Covid-19, được chuyển giao công nghệ mRNA vì những lợi ích y tế và kinh tế lâu dài.

Kể từ khi vaccine mRNA ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna ra mắt, các nước châu Á - Thái Bình Dương vật lộn để tìm nguồn cung. Chính phủ Australia, Hàn Quốc và Singapore chạy đua tự thành lập cơ sở sản xuất mũi nhọn, nỗ lực khai thác loại công nghệ có khả năng lật ngược tình thế trong đại dịch.

Tuy nhiên, đối với những nước không đảm bảo nguồn cung từ sớm, động thái này không có ý nghĩa thúc đẩy tốc độ thoát khỏi đại dịch. Dù vậy, công nghệ vaccine mRNA, vốn do Mỹ, Đức và Thụy Sĩ nắm giữ, có thể giúp xử lý biến thể nCoV và các đại dịch trong tương lai. Một số chuyên gia tin rằng loại vaccine này hiệu quả hơn, dễ thích ứng với các đột biến virus hơn. Công nghệ tiên phong đằng sau nó có thể cung cấp phương pháp điều trị ung thư, HIV/AIDS sau này.

"Các quốc gia đã nhận ra rằng họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vaccine từ nơi khác. Giờ đây, họ gặp trở ngại khi đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng", Thomas Preiss, chuyên gia sinh vật phân tử Đại học Quốc gia Australia, cho biết. "Vì vậy, họ cố gắng đạt đủ năng lực cung ứng vaccine Covid-19. Việc xây dựng cơ sở sản xuất mRNA ở địa phương không phải giải pháp tình thế, nó sẽ đáp ứng nhu cầu lâu dài nhằm phòng chống biến thể nCoV".

Công ty BioNTech của Đức, đơn vị phát triển vaccine cùng Pfizer, ngày 17/5 thông báo sẽ đặt trụ sở sản xuất ở Singapore, mục tiêu cung cấp hàng trăm triệu liều mRNA hàng năm. BioNTech cho biết đây sẽ là đầu mối sản xuất cho khu vực Đông Nam Á. Nhà máy khởi công trong năm nay, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Lọ chứa vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna được trưng bày tại Mỹ, tháng 2/2021. Ảnh: Reuters
Lọ chứa vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna được trưng bày tại Mỹ, tháng 2/2021. Ảnh: Reuters

Ooi Eng Eong, giáo sư bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke - NUS của Singapore, cho biết đại dịch làm lộ rõ hạn chế trong năng lực cung ứng vaccine của châu Á. Singapore có thể giúp đáp ứng nhu cầu toàn thế giới.

Ông nói: "Việc thiết lập cơ sở sản xuất có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Singapore là nước nhỏ, có thể đảm bảo nhu cầu nội địa dễ dàng, do đó có vị thế tốt trở thành trung tâm xuất khẩu vaccine khu vực. Thứ hai, chính phủ đã đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, hữu ích cho việc phát triển thế hệ vaccine tiếp theo. Ngành công nghiệp đủ sức khai thác kiến thức mới để cải tiến vaccine".

Ooi cho biết đối với một số nước, sản xuất vaccine mRNA có thể đã quá muộn để ứng phó đại dịch. Song điều quan trọng nhất là "chuẩn bị tốt cho các dịch bệnh tương lai".

Tại Hàn Quốc, hãng dược Moderna sẽ tiết lộ kế hoạch thiết lập một nhà máy trong vài ngày tới. Thông báo chính thức có thể được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Joe Biden.

Hàn Quốc là nhà sản xuất theo hợp đồng của vaccine AstraZeneca, Novavax và Sputnik V. Song chiến dịch tiêm chủng nước này còn chậm chạp, hiện chưa đến 8% dân số được tiêm liều đầu tiên.

Hàn Quốc xếp thứ hai, sau Mỹ, về công suất sản xuất sinh học, theo mạng lưới kiểm toán BDO. Năm nay, quốc gia đã dành 772 tỷ won (683 triệu USD) để phát triển vaccine Covid-19 và đào tạo nhân lực ngành dược phẩm, công nghiệp sinh học. Đơn vị sản xuất vaccine AstraZeneca Samsung Biologics là ứng viên sáng giá hợp tác với Moderna trong thời gian tới.

"Một khi được bật đèn xanh và chuyển giao công nghệ mRNA vốn rất khó phát triển về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc có thể trở thành ông lớn trên thị trường", Lee Hoanjong, giáo sư danh dự ngành vaccine tại Bệnh viện Nhi đồng Đại học Quốc gia Seoul, nhận định. "Đây cũng là cơ hội để đất nước tự chuẩn bị chống lại đại dịch trong tương lai, trang bị phương tiện và cơ sở hạ tầng phát triển vaccine".

Tại Australia, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt hôm 13/5 cho biết chính phủ đang đàm phán với Moderna về việc sản xuất vaccine. Chiến dịch tiêm chủng nước này gặp trở ngại do trục trặc nguồn cung và vấn đề tác dụng phụ của vaccine. Với tiến độ hiện tại, Australia có thể mất tới ba năm mới đạt miễn dịch cộng đồng.

Moderna trước đó thông báo đã ký một thỏa thuận với chính phủ nhằm cung cấp 10 triệu liều vaccine trong năm nay, 15 triệu liều tiếp theo vào năm 2022. Canberra đã dành hàng triệu USD nhằm đảm bảo khả năng sản xuất vaccine mRNA. Bộ trưởng Y tế Brendan Murphy cho biết nhà máy có thể đi vào hoạt động trong năm tới.

Trụ sở sản xuất vaccine Pfizer-BioNtech ở Marburg, Đức. Ảnh: AFP
Trụ sở sản xuất vaccine Pfizer-BioNtech ở Marburg, Đức. Ảnh: AFP

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Tin quốc tế - 24/10/2023

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Tin quốc tế - 06/10/2023

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Tin quốc tế - 12/05/2023

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Tin quốc tế - 05/04/2023

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Tin quốc tế - 05/04/2023

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới