'Địa chấn' Covid-19 ở Ấn Độ rung lắc thế giới như thế nào?
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng này không phải của riêng quốc gia Nam Á, mà còn là của tất cả mọi người. Tiến sĩ Soumya Swaminathan từng nói: “Virus không phân biệt biên giới, quốc tịch, tuổi tác, giới tính hay tôn giáo. Và những gì hiện đang diễn ra ở Ấn Độ, thật không may, đã và đang gây tác động đến nhiều quốc gia khác".
Theo trang tin BBC, dịch Covid-19 đã cho thấy cả thế giới được kết nối chặt chẽ với nhau như thế nào. Nếu một quốc gia có mức độ lây nhiễm rất cao, nó sẽ có khả năng lây lan sang những nước khác.
Ngay cả khi những biện pháp hạn chế đi lại, xét nghiệm và kiểm dịch nhiều lần được áp dụng, virus corona vẫn có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Nếu một du khách nào đó đến từ một nơi đang là tâm dịch, họ có đầy khả năng mang theo virus trong người. Minh chứng là gần đây, khoảng 50 hành khách trên một chuyến bay từ New Delhi đến Hong Kong, Trung Quốc, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Một mối lo ngại khác bên cạnh tỷ lệ lây nhiễm cao ngất ngưởng ở Ấn Độ chính là các biến thể mới của virus corona. Trong số này, một biến thể đã được phát hiện ở Ấn Độ có tên gọi B.1.617, còn được gọi là "đột biến kép". Một số bằng chứng trong phòng thí nghiệm cho thấy, biến thể này dễ lây truyền hơn và khó bị các kháng thể ngăn chặn hơn.
Số ca nhiễm Covid-19 ở một quốc gia nào đó càng cao, thì những biến thể mới càng có khả năng xuất hiện nhiều hơn. Đó là vì mỗi ca nhiễm đều tạo cho virus corona cơ hội tiến hóa, và mối lo ngại lớn nhất là điều này có thể phát sinh nhiều biến chủng mới, khiến vắc-xin Covid-19 không còn hoạt động hiệu quả.
“Cách hạn chế các biến thể mới của virus corona xuất hiện ngay từ đầu là ngăn chặn khả năng nhân bản của chúng trong cơ thể chúng ta… Vì thế, phương án tốt nhất để kiểm soát các biến thể này là ngăn chặn số ca nhiễm toàn cầu ở thời điểm hiện tại”, Giáo sư Sharon Peacock, Giám đốc công ty Covid-19 Genomics UK (Cog-UK), giải thích.
Nhưng theo BBC, dù những biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có thể làm được điều này, thì việc tiêm chủng vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, nó lại đang diễn ra một cách chậm chạp ở Ấn Độ, khi cho đến nay, chưa đến 10% dân số của nước này được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên, và chưa đến 2% được tiêm chủng đầy đủ.
Điều này xảy ra bất chấp thực tế đây là cái nôi của nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh Ấn Độ. Và đây cũng là một lý do khác giải thích tại sao sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 của Ấn Độ có thể tác động mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới.
Vào tháng 3, khi tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ bắt đầu chuyển biến xấu, giới chức nước này đã ngưng việc xuất khẩu một lượng lớn vắc-xin AstraZeneca, trong đó bao gồm cả số vắc-xin cung cấp cho chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm chủng ở nhiều quốc gia, trong bối cảnh ngày càng nhiều vắc-xin Covid-19 của Ấn Độ được chuyển hướng để sử dụng trong nước. Tuy nhiên với tình cảnh bi đát đang diễn ra quốc gia Nam Á, các nhà khoa học cho rằng biện pháp này nên là một ưu tiên hàng đầu.
Theo BBC, khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục càn quét hết quốc gia này đến quốc gia khác, thì tình hình hiện tại ở Ấn Độ giống như một lời nhắc nhở chua xót rằng, không một ai trong chúng ta sẽ được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều được an toàn.
Việt Anh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao