Tiêm vắc-xin cho người lao động để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề được các nước đặc biệt quan tâm. Hàng loạt quốc gia châu Âu mới đây đã thực hiện những biện pháp “mạnh tay” nhằm hối thúc người dân tiêm vắc-xin. Italia là quốc gia đầu tiên trong Liên hiệp châu Âu (EU) quy định “thẻ xanh” là bắt buộc đối với tất cả người lao động. Theo đó, tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải xuất trình “thẻ xanh” ở nơi làm việc, một bằng chứng cho thấy người đó đã tiêm vắc-xin, có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ hoặc đã phục hồi sau khi mắc Covid-19. Những người phớt lờ sắc lệnh này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600 đến 1.500 euro. Nhận định về biện pháp quyết liệt nêu trên, giới chức Italia khẳng định, sử dụng “thẻ xanh” là giải pháp duy nhất để tránh phải khôi phục các quy định giãn cách như đóng cửa kinh doanh, hạn chế đi lại…
Pháp cũng là quốc gia châu Âu áp dụng quy định cứng rắn để buộc người lao động tiêm vắc-xin. Khoảng 3.000 nhân viên tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão và trung tâm y tế ở Pháp đã buộc phải thôi việc do những người này không tuân thủ quy định tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Còn tại Ðức, Bộ trưởng Y tế Ðức Jens Spahn thông báo, kể từ tháng 11 tới, những người lao động không tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ không được nhận các khoản trợ cấp vì mất thu nhập trong thời gian phải thực hiện cách ly. Quan chức này nêu rõ, đây là sáng kiến mới nhất của Berlin nhằm khuyến khích người dân tích cực tiêm vắc-xin. “Tiêm chủng hay không là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng quyết định đó phải đi kèm với trách nhiệm về tài chính”, ông Jens Spahn nhấn mạnh. Theo thống kê của Viện Dịch tễ Robert Koch Institute (RKI), đến nay, có hơn 60% số dân Ðức tiêm chủng đầy đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Con số này thấp hơn tỷ lệ 85% số dân mà Viện này cho rằng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Khi các nước ở “lục địa già” bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vào đầu mùa hè năm nay, nhiều doanh nghiệp đã mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những cuộc khảo sát ở thủ đô Luân Ðôn của Anh và thủ đô Berlin của Ðức cho thấy, không ít khách sạn, nhà hàng… phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân viên. Chia sẻ với tờ Financial Times, chị Emily Harmon, chủ nhà hàng Ora ở Berlin nhận định, một trong những lý do khiến các nhà hàng thiếu hụt nhân lực là bởi trong thời gian diễn ra dịch bệnh, những người nhập cư đã rời khỏi Ðức, chuyển đến những nơi áp dụng ít lệnh hạn chế hơn và có điều kiện thời tiết tốt hơn, như Bồ Ðào Nha hay khu vực Caribe… “Chúng tôi đang đứng trước áp lực phải tuyển chọn nguồn nhân lực tốt”, chị Emily Harmon cho biết.
Sau gần hai năm dịch Covid-19 hoành hành với sự xuất hiện ngày càng nhiều biến thể mới, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận không thể khống chế tuyệt đối dịch bệnh mà thế giới phải tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Các nước buộc phải tìm kiếm những giải pháp vừa chống dịch, vừa khôi phục hoạt động sản xuất, không để dịch bệnh làm đứt gãy nền kinh tế, trong đó, bảo đảm nguồn lao động ổn định là nhiệm vụ hàng đầu. Một làn sóng Covid-19 mới có thể tràn vào châu Âu vào mùa đông tới, đòi hỏi các nước phải tăng tốc hơn nữa trong chiến dịch “phủ sóng” vắc-xin cho người dân.