Tháng 9 này, ông Trần Thanh Tính, ở khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa tiếp tục miễn tiền thuê phòng cho công nhân. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, người chủ nhà này miễn tiền thuê cho tất cả các phòng của dãy trọ.
Ông Tính cho biết, với bảy phòng trọ cho thuê, mỗi tháng ông thu hơn sáu triệu đồng. Tuy nhiên, hơn hai tháng nay, người thuê trọ mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên gia đình quyết định miễn 100% tiền thuê để giảm bớt một phần khó khăn với công nhân ở trọ. Ngoài ra, ông Tính còn hỗ trợ mỗi phòng một phần nhu yếu phẩm trị giá hơn 300 nghìn đồng. "Dịch bệnh khiến anh chị em không có việc làm, vì vậy, tôi quyết định miễn tiền thuê phòng và tặng thêm phần quà nhỏ với mong muốn chung tay cùng địa phương hỗ trợ công nhân vượt qua đại dịch", ông Tính tâm sự.
Được gia đình ông Tính miễn ba tháng tiền thuê phòng, anh Trần Hữu Hậu cũng như các công nhân ở dãy trọ đều cảm thấy ấm lòng trong những ngày giãn cách. Anh Hậu chia sẻ, "số tiền tích lũy cũng hết dần sau hơn hai tháng không có việc làm, nên khi được chủ nhà trọ tiếp tục miễn tiền thuê phòng đã giúp tôi bám trụ lại được. Giờ chỉ mong dịch sớm được đẩy lùi để đi làm trở lại"…
Đề cập vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, Biên Hòa là địa bàn có số công nhân ở trọ đông nhất Đồng Nai. Từ đầu tháng 7, khi nhiều công ty buộc phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến NLĐ gặp khó khăn, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu 30 phường, xã kêu gọi người cho thuê phòng trọ giảm, miễn tiền thuê phòng cho NLĐ. Qua đó, đã có hàng nghìn chủ nhà trọ đã miễn, giảm từ 20% đến 100% tiền thuê phòng cho công nhân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, trong gói hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trị giá hơn 287 tỷ đồng đang trình HĐND tỉnh thông qua, sẽ dành hơn 158 tỷ đồng để hỗ trợ công nhân lao động thuê trọ. Cụ thể, hỗ trợ 175.636 phòng thuê trọ với mức 900 nghìn đồng mỗi phòng, trong đó 200 nghìn đồng thông qua tiền điện, nước và 50% tiền thuê phòng. Số tiền 50% còn lại, các ngành chức năng sẽ tăng cường vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê cho NLĐ.
Ngoài ra, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp sức thêm cho NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng việc đã tổ chức tặng nhu yếu phẩm đến tận các phòng trọ. Chương trình "Nghĩa tình Công đoàn" do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai triển khai đã hỗ trợ gạo, thịt, cá, rau xanh cho khoảng 100 nghìn công nhân ở gần 50 nghìn phòng trọ trong các khu phong tỏa.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập cho biết, để thực hiện chương trình ý nghĩa ấy, từ giữa tháng 7, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã thành lập bốn trạm, cử cán bộ LĐLĐ tỉnh, huyện xuống cùng ở ngay trong khu phong tỏa để kịp thời phân phối nhu yếu phẩm đến NLĐ ở trọ. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ tiền đối với NLĐ là F0, F1; các công đoàn cơ sở trên địa bàn cũng đã tặng nhu yếu phẩm cho 150 nghìn lượt NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Đến thời điểm này, tổng số tiền, hàng hóa các cấp công đoàn tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ cho NLĐ trị giá gần 82 tỷ đồng.
Từ ngày 25/8, Công an tỉnh Đồng Nai bắt đầu tổ chức chương trình "Gian hàng 0 đồng" tặng nhu yếu phẩm đến NLĐ, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Sau 10 ngày triển khai, đã có hàng nghìn phần quà, trị giá mỗi phần 500 nghìn đồng, được cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đồng Nai, công an các huyện, thành phố trao tặng. "Thông qua chương trình, Công an tỉnh mong muốn cùng các ngành kịp thời giúp đỡ những NLĐ, người dân gặp khó khăn trong đại dịch ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Chương trình sẽ được Công an tỉnh duy trì đến hết tháng 9", Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho hay.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, đến ngày 5/9, đã chi hỗ trợ hơn 104 tỷ đồng đến tay gần 70 nghìn NLĐ tự do. Trong những ngày tới, số tiền chi hỗ trợ NLĐ sẽ tăng lên nhiều lần khi các DN có đông công nhân làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19.
"Để hỗ trợ các địa phương, DN hoàn thành các thủ tục nhanh nhất theo gói hỗ trợ Nghị quyết 68, chúng tôi huy động cán bộ, công chức làm việc ngày đêm, kể cả các ngày nghỉ lễ vừa qua. Những ngày tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng được hưởng để lập danh sách, trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chi hỗ trợ nhanh nhất cho NLĐ", bà Hiền cho biết.
Đồng thời, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chung tay của các ngành, chủ nhà trọ, nhiều chủ DN ở Đồng Nai vẫn cố gắng duy trì trả lương cơ bản cho công nhân trong thời gian tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hai tháng qua, dù nghỉ việc, nhưng hơn 38 nghìn NLĐ Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) vẫn nhận được lương cơ bản hơn 4,4 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina Đinh Sỹ Phúc cho biết, dù khó khăn nhưng DN cố gắng trả lương cho NLĐ để giúp họ vượt qua giai đoạn này, đồng thời cũng là cách để giữ chân NLĐ, tránh tình trạng thiếu lao động sau khi dịch được đẩy lùi. Trong tháng 9, công ty tiếp tục trả lương cơ bản vùng cho NLĐ và chuẩn bị hơn 38 nghìn túi quà an sinh, với tổng trị giá hơn 11 tỷ đồng để tặng NLĐ.
Tương tự, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 7. Với hơn 25 nghìn công nhân, DN cố gắng duy trì trả lương tối thiểu vùng cho NLĐ trong hai tháng qua, với mức 170 nghìn đồng/ngày. Dù nhà máy tạm ngưng hoạt động, nhưng mỗi tháng DN vẫn chi hơn 100 tỷ đồng để trả lương cho NLĐ.
Những ngày qua, tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai hoặc đi kiểm tra ở cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh luôn yêu cầu các ngành, địa phương lưu ý hỗ trợ công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp nào bị thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội. Tất cả các nguồn lực huy động được phải chuyển ngay về xã, phường, thị trấn để kịp thời đưa đến tay NLĐ.