Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết, hiện vẫn chưa thể xác định rõ mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với diễn biến dịch HIV/AIDS, nhưng cơ quan này bày tỏ lo ngại về sự gián đoạn chăm sóc y tế cho những người nhiễm HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
"Chúng tôi khá lo lắng khi dữ liệu thu thập trong năm nay cho thấy sự gia tăng đột biến về các ca nhiễm mới HIV, và trong một vài năm nữa, dự báo số ca tử vong vì HIV/AIDS sẽ còn tăng thêm", bà Byanyima nói với hãng tin Reuters.
"Hiện đang có tình trạng số người được tiếp cận các biện pháp phòng ngừa và xét nghiệm giảm, trong khi số ca không được điều trị ngày càng tăng. Đây không phải là những dấu hiệu tốt", bà Byanyima cho biết thêm.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS đã giảm ở mức ổn định trong suốt thập kỷ qua, song các khu vực trên vẫn chiếm tới 22% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới liên quan đến AIDS trong năm 2020.
Dữ liệu của UNAIDS cho thấy, trong năm ngoái, đã có khoảng 200 nghìn người ở Tây và Trung Phi nhiễm HIV trên tổng số 1,5 triệu ca mắc mới trên toàn cầu.
Các ca nhiễm mới trong khu vực đang tăng nhanh ở các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em gái và phụ nữ, người đồng tính, mại dâm, đối tượng sử dụng ma túy và tù nhân, vốn là những người thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các biện pháp phòng ngừa và điều trị.
Trong bối cảnh hệ thống y tế trong khu vực đang quá tải trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các chính phủ phải chuyển hướng nguồn lực eo hẹp sang ứng phó với đại dịch, trong khi các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan như các lệnh phong tỏa càng làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ phòng và điều trị HIV/AIDS.
Tháng 7 năm ngoái, UNAIDS cảnh báo cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch AIDS đã chững lại ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, và đại dịch này đang đe dọa đẩy lùi tiến trình của cuộc chiến chống HIV/AIDS thụt lùi tới 10 năm hoặc hơn thế nữa.
Trước tình hình này, bà Byanyima kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực hưởng ứng cách làm của Tổng thống Senegal Macky Sall trong việc tăng ngân sách cho Bộ Y tế nước này để chống HIV/AIDS.
Trước đó, Tổng thống Sall đã chỉ thị cho Bộ trưởng Y tế Senegal bổ sung 2 tỷ franc CFA (3,5 triệu USD) vào ngân giai đoạn 2021 - 2022 của bộ trên cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.