Lý do thảm cảnh bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ chết mòn vì thiếu oxy
25 gia đình ở Thủ đô Delhi thức dậy vào buổi sáng cuối tuần và nhận tin người thân đã chết trong Bệnh viện Sir Ganga Ram. Lý do là các bệnh nhân này không được cung cấp đủ oxy.
Giám đốc y tế của bệnh viện cho biết sự thiếu hụt nguồn oxy nghiêm trọng đã khiến 25 bệnh nhân ốm yếu nhất không thể trụ tiếp.
Một số bệnh viện lớn khác ở Delhi luôn trong tình trạng gần hết oxy hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Một đợt vận chuyển bình dưỡng khí đã đến Bệnh viện Sir Ganga Ram vào ngày 23/4, ngay sau khi có cảnh báo thảm khốc thêm 60 người đang cận kề cái chết.
Làn sóng ca bệnh gia tăng đang đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đến bờ vực - từ các thành phố giàu có của đất nước đến những nơi xa xôi hẻo lánh nhất.
Cuộc chiến vì hơi thở
Bang Maharashtra và Gujarat ở phía tây, Haryana ở phía bắc, và Madhya Pradesh ở miền trung Ấn Độ đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy.
Ở phía bắc bang Uttar Pradesh, một số bệnh viện đã đặt bảng "hết oxy" bên ngoài, còn tại thủ phủ Lucknow của bang, các bệnh viện yêu cầu bệnh nhân chuyển đi nơi khác.
Các bệnh viện và viện dưỡng lão nhỏ hơn ở Delhi cũng đang làm như vậy. Những người thân của bệnh nhân tuyệt vọng đang xếp hàng bên ngoài các trung tâm nạp oxy. Một nhà máy ở thành phố Hyderabad đã phải thuê người để kiểm soát đám đông.
Nhiều người nhiễm Covid-19 đang chết mòn trong khi chờ đợi. Các bệnh viện phải vật lộn để tiếp nhận những bệnh nhân khó thở, giữ lại sự sống cho những người may mắn có được giường. Mạng xã hội tràn ngập những lời cầu xin bình oxy khẩn thiết.
Suốt một tuần nay, nhiều người bệnh Ấn Độ liên tục sống lại cơn ác mộng, chờ đợi giây phút kinh hoàng khi không còn bình dưỡng khí.
Bảy tháng trước, đất nước này đã phải vật lộn với tình trạng thiếu oxy trong bối cảnh số ca bệnh tăng nhanh. Nhưng lần này, mọi chuyện tồi tệ hơn nhiều.
Thông thường, các cơ sở y tế tiêu thụ khoảng 15% lượng oxy, phần còn lại được sử dụng trong công nghiệp. Tuy nhiên, trong làn sóng thứ hai của Ấn Độ, gần 90% nguồn cung cấp oxy của đất nước - 7.500 tấn mỗi ngày - đang được chuyển hướng sử dụng cho mục đích y tế.
Con số này cao hơn gần 3 lần so với mức tiêu thụ hàng ngày vào đợt cao điểm giữa tháng 9 năm ngoái.
Khi đó, Ấn Độ có thêm khoảng 90.000 trường hợp mỗi ngày. Chỉ 2 tuần trước, vào đầu tháng 4, số ca tăng lên khoảng 144.000 người một ngày. Giờ đây, con số tăng gấp đôi lên hơn 300.000 người.
Tiến sĩ Siddheshwar Shinde, người điều hành một bệnh viện Covid ở Pune, cho biết: “Tình hình tồi tệ đến mức chúng tôi phải điều trị một số bệnh nhân ngay tại xe cấp cứu trong 12 giờ cho đến khi họ có thể vào phòng hồi sức tích cực”.
Tuần trước, khi không còn máy thở, bác sĩ Shinde bắt đầu chuyển bệnh nhân đến các thành phố khác.
Thành phố Pune thuộc bang Maharashtra. Đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ấn Độ với 1/3 tổng số ca bệnh của cả nước. Bang đang sản xuất khoảng 1.200 tấn oxy mỗi ngày, tất cả đã được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19.
Nhu cầu đang tăng lên vượt xa nguồn cung và không có dấu hiệu giảm nhiệt.
"Thông thường các bệnh viện như của chúng tôi có thể cung cấp đủ oxy. Nhưng trong hai tuần qua, việc giữ cho mọi người thở đã trở thành một nhiệm vụ", bác sĩ Shinde nói.
Các bác sĩ và nhà dịch tễ học tin rằng lượng ca bệnh quá nhiều đang trì hoãn các xét nghiệm và hội chẩn khiến nhiều người phải nhập viện khi tình trạng đã nghiêm trọng. Vì vậy, nhu cầu về ôxy cao hơn nhiều so với đợt trước.
"Không ai biết khi nào điều này sẽ kết thúc. Tôi nghĩ ngay cả chính phủ cũng không lường trước được điều này", Tiến sĩ Shinde nói.
Nỗ lực tìm nguồn cung cấp
Bang Kerala đã tăng nguồn cung oxy bằng cách theo dõi chặt chẽ nhu cầu và lập kế hoạch tăng khi có đột biến. Kerala hiện có lượng oxy dư thừa và đang gửi đến các tiểu bang khác.
Tuy nhiên, Delhi và một số nơi khác không có nhà máy oxy riêng và phải dựa vào nhập khẩu.
Tòa án Tối cao đã yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi lên một kế hoạch quốc gia nhằm giải quyết vấn đề oxy.
Oxy lỏng, có màu xanh nhạt và cực lạnh, với nhiệt độ khoảng -183 độ C, là một loại khí đông lạnh chỉ có thể được lưu trữ và vận chuyển trong các bình và xe đặc biệt.
Khoảng 500 nhà máy ở Ấn Độ chiết xuất, lọc sạch oxy từ không khí và gửi đến các bệnh viện.
Các bệnh viện lớn thường có bồn riêng để chứa oxy và sau đó được dẫn trực tiếp đến giường. Các bệnh viện nhỏ hơn và tạm thời dựa vào các trụ bằng thép và nhôm.
Các xe chứa oxy thường xếp bên ngoài một nhà máy hàng giờ và mất khoảng hai giờ để lấp đầy một xe. Các xe này phải mất thêm vài giờ nữa mới có thể di chuyển đến các thị trấn khác nhau.
Các xe cũng phải tuân theo giới hạn tốc độ (dưới 40 km/h) và thường không di chuyển trong đêm để tránh tai nạn.
Quá ít, quá muộn
Trước khi khủng hoảng oxy bùng phát, chính phủ liên bang đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã cho phép các cuộc biểu tình bầu cử và một lễ hội lớn của người Hindu cũng như không thể mở rộng tiêm chủng nhanh chóng.
Các bác sĩ và nhà virus học cho biết tình trạng thiếu oxy là biểu hiện chứ không phải là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Các biện pháp phòng chống và thông điệp mạnh mẽ đã có thể khiến nhiều người ở nhà hơn và virus sẽ không hoành hành.
Nhưng sự sụt giảm mạnh số vụ vào tháng 1 khiến đất nước rơi vào cảm giác an toàn sai lầm, tạo điều kiện cho làn sóng thứ hai khủng khiếp.
Chính phủ của ông Modi hiện đã bắt đầu triển khai các chuyến xe "oxy tốc hành" đến bất cứ nơi nào có nhu cầu. Họ cũng đang cân nhắc kế hoạch nhập khẩu 50.000 tấn oxy lỏng.
An Yên (Theo BBC)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao