Liên thông bảo hiểm y tế, bệnh nhân đổ về TP HCM
Bệnh nhân ở TP HCM đến điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện hưởng bảo hiểm y tế cũng tăng 20%, theo sơ kết của Sở Y tế TP HCM, ngày 6/4. Quy định liên thông khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tác động đến việc khám, chữa tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương trên địa bàn thành phố.
Theo Luật Bảo hiểm Y tế, từ ngày 1/1, bệnh nhân điều trị trái tuyến tại các bệnh viện tỉnh được chi trả 100% chi phí nội trú, thay vì 60% như trước. Quy định này chỉ áp dụng với bệnh nhân nhập viện, không áp dụng với điều trị ngoại trú; chỉ áp dụng với bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và thành phố.
Với bệnh viện tuyến trung ương tại TP HCM như Chợ Rẫy, Quân y 175, Răng Hàm Mặt Trung ương, Thống Nhất, người có thẻ bảo hiểm tự đến khám chữa sẽ được thanh toán 40% chi phí nội trú, không thay đổi so với hiện hành. Người có thẻ bảo hiểm kèm giấy chuyển tuyến hoặc cấp cứu vẫn được thanh toán 100%.
Đây là lý do khiến bệnh nhân các tỉnh đổ về TP HCM điều trị trái tuyến tăng cao. Ba tháng đầu năm, tình hình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện TP HCM còn chịu tác động của Covid-19. Tính tổng các bệnh viện, số lượt khám ngoại trú tại các bệnh viện tăng nhẹ. Tuy nhiên, nếu chỉ tính trong phạm vi các bệnh viện thành phố, quận, huyện (không tính các bệnh viện bộ, ngành) thì số lượt khám ngoại trú giảm 0,7% so với cùng kỳ.
Sở Y tế TP HCM nhận định, dữ liệu khám, chữa bệnh cho thấy xu thế người bệnh tham gia bảo hiểm y tế cư ngụ tại thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam đến thẳng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP HCM để điều trị nội trú. Đây là tất yếu do được bảo hiểm y tế thanh toán 100% theo quy định mới.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện xây dựng tiêu chí nhập viện rõ ràng, chi tiêu hợp lý trong sử dụng thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thời gian nằm viện... nhằm đảm bảo cân đối thu chi trong hoạt động của bệnh viện. Hoạt động cải tiến chuỗi cung ứng thuốc, vật tư, công tác giám sát, đánh giá sự tuân thủ phác đồ điều trị, chi phí điều trị hợp lý... sẽ càng có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2021, TP HCM được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán 20.102.755 triệu đồng. Thời gian tới, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP HCM sẽ tiếp tục đánh giá tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện theo hàng quý, nhất là sự biến động số lượt bệnh nhân trái tuyến để kịp thời điều phối hợp lý dự toán chi của thành phố.
Các cơ sở y tế cần tăng cường năng lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, không từ chối bệnh nhân đến điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên nguồn lực phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các bệnh viện cũng được yêu cầu giám sát những chỉ định nhập viện, đăng ký khám theo lịch hẹn, tránh gây quá tải và giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Bệnh viện tuyến dưới cần nâng cao chất lượng, nhân lực, cơ sở vật chất, dịch vụ kỹ thuật để thu hút bệnh nhân, giúp giảm tải cho tuyến trên. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố tiếp tục thực hiện hỗ trợ kết nối từ xa, chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật, kết nối cấp cứu liên viện với các cơ sở tuyến quận huyện.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Có được khám BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT không?
BHYT & BHXH - 01/02/2024
Có được khám BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT không?
Giá khám, chữa bệnh BHYT tăng khoảng 10%
BHYT & BHXH - 22/11/2023
Giá khám, chữa bệnh BHYT tăng khoảng 10%
5 điểm mới gỡ các "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
BHYT & BHXH - 17/11/2023
5 điểm mới gỡ các "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?
BHYT & BHXH - 10/10/2023
Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?
Đề xuất khám sàng lọc 5 nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả
BHYT & BHXH - 08/09/2023
Đề xuất khám sàng lọc 5 nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả