Triển vọng 'hộ chiếu vaccine' thời Covid-19
Một trong những sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 yêu cầu các cơ quan chính phủ "đánh giá tính khả thi" của việc liên kết các giấy tờ chứng nhận tiêm vaccine nCoV với các hồ sơ tiêm chủng khác và tạo ra phiên bản kỹ thuật số của chúng.
Chính phủ Đan Mạch hôm 3/2 cho biết trong 3 đến 4 tháng tới, họ sẽ phát hành hộ chiếu kỹ thuật số cho phép công dân chứng minh họ đã được tiêm chủng.
Không chỉ các chính phủ đề cập tới hộ chiếu vaccine. Vài tuần nữa, hãng hàng không Etihad Airways và Emirates sẽ sử dụng thẻ thông hành kỹ thuật số, được phát triển bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhằm giúp hành khách quản lý kế hoạch đi lại của mình và cung cấp cho các hãng bay cũng như chính phủ bằng chứng về việc họ đã được tiêm chủng hoặc xét nghiệm Covid-19.
Thách thức hiện nay là làm thế nào để tạo ra một loại giấy tờ hoặc ứng dụng chứng minh việc tiêm chủng được chấp nhận trên toàn cầu, bảo vệ quyền riêng tư của người tiêm và dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi người.
Thẻ hay hộ chiếu tiêm chủng là tài liệu chứng minh rằng bạn đã được tiêm vaccine Covid-19. Một số phiên bản cũng cho phép người ta chứng minh rằng họ đã xét nghiệm âm tính với virus, nhờ thế có thể đi lại dễ dàng hơn. Chúng có thể là một ứng dụng trên điện thoại hoặc một phần của ví điện tử.
"Đó là việc cố gắng số hóa một quy trình đang diễn ra, khiến nó trở nên hài hòa và dễ dàng hơn, giúp mọi người đi lại giữa các quốc gia thuận tiện hơn mà không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khác nhau cho các nước khác nhau và ở các trạm kiểm soát khác nhau", Nick Careen, phó chủ tịch về sân bay, hành khách, hàng hóa và an ninh tại IATA, cho hay.
IATA là một trong những tổ chức tham gia vào phát triển các giải pháp kỹ thuật số nhằm hợp lý hóa quy trình cấp giấy thông hành suốt nhiều năm qua. Đại dịch bùng phát, những nhóm này đang bắt tay vào bổ sung cả thông tin về tình trạng tiêm chủng vào giấy thông hành. Ý tưởng đặt ra là nếu bạn tích hợp mọi thông tin cần thiết trên điện thoại của mình, bạn có thể tiết kiệm đáng kể thời gian.
Ngoài IATA, IBM cũng đang phát triển Thẻ Y tế Kỹ thuật số riêng giúp các cá nhân xuất trình bằng chứng về tình trạng tiêm chủng và xét nghiệm âm tính Covid-19 để có tới những địa điểm công cộng như sân vận động, sân bay, trường đại học hay nơi làm việc.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Commons Project Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ, đang thử nghiệm một loại hộ chiếu y tế kỹ thuật số, được gọi là CommonPass, cung cấp thông tin về tình trạng tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 của người sở hữu. Nó tạo ra một mã QR hiển thị cho các cơ quan chức năng khi cần.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống. Trong tương lai, sẽ có nhiều hoạt động, khía cạnh của cuộc sống mà chỉ những người đã tiêm chủng mới được phép tham gia.
Để cho phép ai đó xuất nhập cảnh, chính phủ và giới chức y tế các nước sẽ cần biết liệu người này đã được tiêm chủng hay xét nghiệm âm tính với virus hay chưa. Nhiều quốc gia đã yêu cầu người nhập cảnh trình bằng chứng về xét nghiệm âm tính tại cửa khẩu. Theo Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc Zurab Pololikashvili, những bằng chứng như vậy có thể là điều cần thiết để khởi động lại ngành du lịch toàn cầu.
"Một yếu tố quan trọng đối với nỗ lực tái khởi động ngành du lịch là tính nhất quán và hài hòa của những giao thức và quy tắc liên quan đến khả năng di chuyển quốc tế", ông cho biết. "Việc tích hợp chứng nhận tiêm chủng trong 'hộ chiếu y tế' có thể mang đến điều này. Chúng sẽ giúp xóa bỏ yêu cầu cách ly khi nhập cảnh, một chính sách đang cản trở sự hồi sinh của ngành du lịch".
Theo Dakota Gruener, giám đốc điều hành ID2020, một đối tác công tư toàn cầu, ý tưởng về việc tích hợp bằng chứng cho thấy một người đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 hay đã tiêm vaccine trong thông tin xác thực kỹ thuật số là hai yếu tố quan trọng nhất đưa ngành du lịch phát triển trở lại.
Việc chứng minh bạn đã được tiêm phòng để tham gia các hoạt động hay nhập cảnh vào một quốc gia nào đó không phải khái niệm mới. Trong nhiều thập kỷ, người đến một số nước phải chứng minh rằng họ đã được chủng ngừa các bệnh như sốt vàng da, rubella và dịch tả.
Hộ chiếu vaccine không nhất thiết phải được số hóa nhưng chúng sẽ khiến quá trình đi lại suôn sẻ hơn.
"Hãy tưởng tượng trong tương lai khi một máy bay hạ cánh xuống sân bay và một trăm người có thẻ thông hành y tế, 100 người khác có ví điện tử tích hợp thông tin y tế, 50 người có giấy tờ chứng minh và 25 người khác có một loại xác nhận nào đó của chính phủ. Sân bay sẽ phải làm gì? Làm thế nào để họ xử lý tất cả giấy tờ của những người này theo cách quy chuẩn và đơn giản nhất?", Jamie Smith, giám đốc kinh doanh của Evernym, công ty phát triển phần mềm đang hợp tác với IATA cùng một số đơn vị khác xây dựng thẻ vaccine, đặt câu hỏi.
Liên minh châu Âu (EU) tuần qua cho biết hoạt động buôn bán giấy chứng nhận âm tính Covid-19 giả đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là một lý do nữa khiến việc phát triển các thẻ kỹ thuật số trở nên cấp thiết hơn.
Tuy nhiên, việc phát hành chứng nhận y tế kỹ thuật số cũng mang đến không ít lo lắng. Trong thế giới mà có đến hơn một tỷ người không thể chứng minh danh tính của mình vì thiếu hộ chiếu, giấy khai sinh, bằng lái xe hay thẻ căn cước, các tài liệu kỹ thuật số hiển thị tình trạng vaccine có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng và rủi ro, khiến nhiều người bị tụt hậu.
"Từ rất lâu trước khi Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đã nghiên cứu về việc tích hợp thông tin chủng ngừa vào thông tin cá nhân kỹ thuật số", Gruener từ tổ chức ID2020 cho hay. "Sẽ phải mất nhiều năm nữa vaccine Covid-19 mới phổ biến trên toàn cầu, do đó việc xét nghiệm diện rộng cần được tiếp tục thực hiện song hành với tiêm chủng nhằm tạo điều kiện cho việc di chuyển và các hoạt động công cộng khác trở lại an toàn, công bằng".
Với những người không có điện thoại thông minh, giấy tờ chứng minh tiêm chủng có thể được chấp nhận, song chúng cũng cần được tiêu chuẩn hóa.
Bên cạnh đó, còn có những mối quan ngại về tính riêng tư và chia sẻ dữ liệu. Jenny Wanger, giám đốc phát triển chương trình của Linux Foundation, nhấn mạnh mấu chốt vấn đề là các ứng dụng về hồ sơ y tế phải được thực hiện một cách công khai và không nằm trong sự kiểm soát của bất kỳ chính phủ hay công ty nào.
Công nghệ phải là mã nguồn mở và cung cấp khả năng tiếp cận đối với mọi nhà phát triển, bất kể họ là ai hay ở đâu, Wanger lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao