Cô gái Hà Nội đang khỏe mạnh bỗng yếu toàn bộ tay chân không thể đi
Suốt 15 năm qua, chị Nguyễn Thị Vân Anh ở Hà Nội chạy chữa khắp nơi để chữa bệnh liệt cơ nhưng không có kết quả. Cuộc sống hàng ngày phụ thuộc hoàn toàn vào con trai.
Chị kể năm 25 tuổi, vào tháng 4/2006 sau khi sinh con trai được 4 tháng, chị đột nhiên thấy cơ thể yếu dần, đi cầu thang cũng ngã, muốn đi lại phải có người dìu hoặc bế. Sau khi đi khám, chị mới biết mình mắc bệnh liệt cơ.
Đây là bệnh tự miễn, gây rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh với cơ, làm giảm hoặc mất chức năng của cơ.
Khi mắc bệnh, người bệnh có thể bị tàn phế do tình trạng nhược cơ toàn thân và có thể tử vong do các cơn nhược cơ hô hấp kịch phát.
Sau khi chẩn đoán ra bệnh, chị Vân Anh được điều trị nội khoa tích cực bằng các thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch, lọc huyết tương... Tuy nhiên tình trạng chỉ cải thiện được vài ngày hoặc 1 tháng, sau đó tái phát và ngày càng trầm trọng.
Mới đây, chị Vân Anh may mắn là 1 trong 40 bệnh nhân nhược cơ được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép tế bào gốc máu tự thân để điều trị.
PGS.TS Mai Văn Viện, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại lồng ngực cho biết, phương pháp ghép tế bào gốc (gồm tế bào gốc lẫn các thành phần khác) đã được ứng dụng trong điều trị xơ gan, khớp giả, đột quỵ và ung thư máu... Tuy nhiên tại Việt Nam chưa áp dụng với bệnh nhược cơ.
Để điều trị cho các bệnh nhân nhược cơ, bác sĩ cần sử dụng khối tế bào gốc tinh khiết, không bao gồm các thành phần khác để tránh phản ứng tự miễn sau ghép.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Vân Anh được ghép tế bào gốc tự thân tinh khiết CD34, là loại tế bào có độ tinh khiết cao, loại bỏ hoàn toàn các yếu tố tự miễn.
Cuối tháng 5 vừa qua, bệnh nhân trải qua đợt điều trị hoá chất liều cao để diệt tủy, ngày 9/6, chị Vân Anh được truyền tế bào gốc. 2 tuần sau, các tế bào gốc mọc ghép hoàn toàn trên tủy xương, sinh ra hệ miễn dịch mới. Ngày 29/6, chị được xuất viện.
Sau khi điều trị, tình trạng nhược cơ của bệnh nhân cải thiện rõ rệt từng ngày, hiện chị đã có thể đi lại chắc chắn, cơ toàn thân được phục hồi gần như hoàn toàn.
Bác sĩ đang giảm dần liều thuốc điều trị nhược cơ, dự kiến sẽ cắt hoàn toàn trong thời gian tới để bệnh nhân không phụ thuộc vào thuốc. Phương pháp này cũng mở ra nhiều cơ hội cho những bệnh nhân bị lupus ban đỏ.
Chị Vân Anh là trường hợp bị nhược cơ đầu tiên tại Việt Nam được điều trị thành công nhờ ghép tế bào gốc tự thân.
PGS Viện cho biết, các bác sĩ đã mất 1 năm chuẩn bị cho ca ghép đặc biệt này và 90 ngày qua là những ngày cân não thực sự khi phải theo dõi sát từng chỉ số, diễn biến của bệnh nhân.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Nhiều người nhập viện do hái hoa hồi ở Lạng Sơn
Xã hội - 05/08/2023
Nhiều người nhập viện do hái hoa hồi ở Lạng Sơn
Chuyển bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội quản lý: “Lợi bất cập hại"
Xã hội - 03/08/2023
Chuyển bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội quản lý: “Lợi bất cập hại"
Có phải nam giới hói đầu ham muốn tình dục cao hơn?
Xã hội - 21/07/2023
Có phải nam giới hói đầu ham muốn tình dục cao hơn?
Ở nơi giành giật sự sống từ tay tử thần
Xã hội - 20/07/2023
Ở nơi giành giật sự sống từ tay tử thần
Nhiều trẻ nhỏ nát mặt, đứt vành tai vì bị chó tấn công
Xã hội - 20/07/2023
Nhiều trẻ nhỏ nát mặt, đứt vành tai vì bị chó tấn công