Vào lúc 18 giờ ngày 3/7, tại sân bay Pleiku (Gia Lai) lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Gia Lai; Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền nam; Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Biên phòng) đã đón hai nạn nhân là Pui Thái, (sinh năm 1994) và Pui Phú (sinh năm 2006) trú tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) và đưa về nhà an toàn. Đây là 2 trong số 7 nạn nhân được các lực lượng chức năng giải cứu thành công trong vụ mua bán người trái phép sang Campuchia. Cả 7 nạn nhân bị lừa đảo đều là công dân đang cư trú tại làng Kloong thuộc xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Gần đây tại Gia Lai liên tục xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên có nhu cầu tìm việc làm với mức thu nhập cao đã bị lừa sang Campuchia rồi sau đó bị đòi tiền thế thân.
Về vấn đề này, Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai cho biết, hình thức tuyển lao động ra nước ngoài làm việc thực chất là lừa đảo, giữ người trái phép. Hầu hết các thanh thiếu niên bị lừa vào đường dây “Việc nhẹ, lương cao” còn nhiều hạn chế về nhận thức, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hợp đồng, những người này giao chỉ tiêu, ép nạn nhân đi lừa đảo người khác. Khi không đạt chỉ tiêu thì ép nạn nhân nộp phạt khoảng 1.000 USD. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói.
Trước phản ánh của người dân, ngày 1/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, báo cáo việc người lao động trên địa bàn bị lừa sang Campuchia làm việc, đánh đập, đòi tiền chuộc. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng giao Công an tỉnh triển khai nắm tình hình, tham mưu đề xuất việc triển khai ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng lừa đảo lao động sang nước ngoài làm việc; vấn đề mua bán người trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương chủ động nắm bắt tình hình lao động trên địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn, phòng ngừa các vụ việc lừa đảo lao động, tình trạng mua bán người qua biên giới trái phép; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp các cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán Việt Nam ở Campuchia để có kế hoạch giải cứu những trường hợp đang còn ở Campuchia.
Cũng theo Thượng tá Sơn, qua thống kê, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn ghi nhận 43 trường hợp bị lừa đảo qua mạng điện thoại, internet với số tiền hơn 26 tỷ đồng; có những trường hợp bị lừa đảo hơn 10 tỷ đồng. “Người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ, muốn tìm việc và thực hiện các thủ tục theo quy định về hợp đồng lao động. Đồng thời, tìm hiểu công việc, nơi làm thông quan chính quyền địa phương hoặc cơ quan của ngành lao động, thương binh và xã hội để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể. Người dân phải tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, cần có kiểm chứng để tránh việc bị lừa như trên...”, Thượng tá Sơn khuyến cáo.