Bác sĩ hướng dẫn cách xử trí khi bị rắn độc cắn

Ngay khi rắn độc tấn công, nạn nhân cần được sơ cứu đúng cách để nọc độc từ vết cắn xâm nhập vào cơ thể chậm và ít hơn. Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, khi bị các loại rắn độc cắn (kể cả nghi ngờ rắn độc), cần coi đó là một trường hợp cấp cứu tối khẩn.

Nạn nhân phải được sơ cứu kịp thời, đúng cách, hộ tống ngay đến các cơ sở y tế có điều điều kiện hồi sức tốt và có sẵn các loại huyết thanh kháng nọc độc.

Chẩn đoán rắn độc cắn

Bác sĩ Tình cho biết, Việt Nam có 2 loài rắn độc thường gặp là rắn hổ và rắn lục.

Rắn hổ bao gồm hổ mang bành, hổ đất, hổ mèo, rắn cạp nia, rắn cạp nong và rắn hổ mang chúa. Rắn lục bao gồm rắn chàm quạp, rắn lục xanh, rắn lục hoa cải, rắn lục mũi hếch, rắn lục mộc khô.

Để chẩn đoán rắn cắn, bác sĩ sẽ căn cứ vào hỏi bệnh, vết thương do rắn cắn và các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân.

Định hướng loài rắn độc hay không độc thường dựa vào xác rắn người dân mang đến bệnh viện hoặc hình ảnh của rắn được chụp lại (đặc biệt là hình đầu của con rắn). Nếu không bắt được rắn, bác sĩ thường yêu cầu nạn nhân cố gắng hình dung hình ảnh của con rắn hoặc vị trí, hoàn cảnh bị rắn cắn.

“Rất khó để phân biệt rắn độc hay rắn thường khi không bắt hoặc mô tả được hình dạng của con rắn đó”, bác sĩ Tình nhấn mạnh.

Rắn hổ mang - Ảnh minh họa
Rắn hổ mang - Ảnh minh họa

Dấu hiệu lâm sàng

Khi bị rắn cắn, tùy thuộc vào mức độ nọc độc xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn và thể trạng của từng người mà bệnh nhân có những dấu hiện lâm sàng khác nhau.

Một số trường hợp nhiễm độc nặng, nạn nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức.

Bác sĩ Tình thông tin, các loài rắn hổ thì cắn thường gây các triệu chứng nặng nề như đau đớn, phù nề lan tỏa, hoại tử, nhiễm trùng cơ hội tại vị trí vết thương. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, suy thận cấp, suy đa tạng.

Rắn lục cắn thường gây thường gây 3 triệu chứng, gồm tổn thương tại chỗ (đau, sưng, chảy máu, tụ máu); chảy máu toàn thân (chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc mũi, chảy máu nơi tiêm truyền, xuất huyết tiêu hóa, tiểu ra máu) và rối loạn đông máu trên xét nghiệm.

Điều trị rắn độc cắn

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, bác sĩ thường phải kết hợp điều trị các triệu chứng nguy hiểm do nọc độc gây nên bằng nhiều phương pháp như sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn, thở máy để đảm bảo hô hấp, lọc máu liên tục để điều trị suy đa tạng, dùng kháng sinh để phòng bội nhiễm vi khuẩn.

 

Đồng thời, sử dụng huyết thanh SAT để phòng uốn ván, chống đau, giảm phù nề, điều chỉnh các rối loạn đông máu,….

Tùy vào tình trạng nặng của bệnh nhân mà thầy thuốc quyết định sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hay chỉ điều trị triệu chứng.

Hiện nay, ở Việt Nam có 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn, gồm huyết thanh kháng nọc rắn hổ và huyết thanh kháng nọc rắn lục. Huyết thanh này chứa các globulin, có khả năng trung hoà (làm giảm) độc tố của rắn.

Huyết thanh kháng nọc được điều chế bằng cách lấy nọc độc từ rắn, pha loãng để giảm độc lực rồi tiêm vào ngựa khoẻ mạnh. Ngựa sẽ trải qua quá trình phản ứng miễn dịch với nọc độc sinh ra kháng thể chống lại nọc độc.

Sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn chính là việc chiết xuất huyết thanh từ ngựa khoẻ mạnh đã được miễn dịch với loại nọc rắn đó. Huyết thanh này có tác dụng trung hoà độc tố do rắn cắn, giúp làm mất hoặc giảm các triệu chứng trên lâm sàng do nọc độc gây nên.

Một bệnh nhân bị rắn độc cắn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - Ảnh: BSCC
Một bệnh nhân bị rắn độc cắn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - Ảnh: BSCC

Xử trí kịp thời khi bị rắn độc cắn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hầu hết các trường hợp bị rắn độc cắn, nọc độc sẽ gây liệt cơ, dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Rất nhiều trường hợp đến viện trễ do người dân loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu như chích hút nọc đọc, đắp lá... Đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) mới đưa bệnh viện, lúc này điều trị rất khó khăn.

Ngay khi rắn độc tấn công, nạn nhân cần được sơ cứu đúng cách, với mục đích làm cho nọc độc từ vết cắn xâm nhập vào cơ thể chậm hơn và ít hơn. Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có trang thiết bị để cấp cứu hô hấp, tim mạch hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để điều trị.

Cụ thể, bệnh nhân nên được cho nằm bất động hoặc băng ép bất động chân, tay bằng nẹp, tránh đi lại, vận động sẽ khiến chất độc ngấm nhanh hơn. Duy trì băng ép khi vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Nếu bệnh nhân khó thở trên đường, cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...

Nguyễn Liên

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới